Sinh ra tại một ngôi làng nghèo khó ở tỉnh Hồ Nam, thuộc miền Trung của Trung Quốc, bà Zhou đã trải qua một tuổi thơ đầy sóng gió. Mẹ mất khi mới 5 tuổi, cha bị mù và gặp tai nạn trong nhà máy, ngay từ nhỏ, bà đã phải học cách tự chăm sóc bản thân và tìm cách kiếm bữa ăn qua ngày.
Năm 16 tuổi, bà buộc phải nghỉ học để đến thành phố Thâm Quyến làm việc tại một nhà máy sản xuất kính đồng hồ với mức lương 1 USD/ngày. Sau thời gian làm việc chăm chỉ, bà được thăng chức làm Giám đốc bộ phận sản xuất. Tuy nhiên, tham vọng của bà không dừng lại ở đó.
Năm 22 tuổi, sau khi công ty bà làm thuê đóng cửa, Zhou Qunfei quyết định khởi nghiệp. Chỉ với 3.000 USD trong túi, bà và một vài người thân đã thành lập một xưởng làm mặt kính đồng hồ. Bà sống và làm việc trong một căn hộ nhỏ với anh chị em và người yêu của họ, cộng thêm 2 người anh em họ. Tại đây, Zhou Qunfei đã học cách tự mình làm mọi thứ. Bà tự tay sửa chữa và học cách thiết kế máy móc sản xuất. Bà tự học các kỹ thuật in phức tạp để cải thiện chất lượng sản phẩm.
Mặc dù công ty của Zhou Qunfei phát triển đều đặn, nhưng phải đến khi bà chuyển hướng sang sản xuất màn hình thủy tinh cho điện thoại di động thì công việc kinh doanh mới thực sự cất cánh.
Năm 2003, hãng Motorola là tập đoàn đầu tiên tiếp cận công ty của Zhou Qunfei họ nhờ bà sản xuất màn hình thủy tinh cho điện thoại Razr V3 của họ. Khi đó, màn hình điện thoại hầu hết là bằng nhựa nhưng Motorola muốn chuyển sang dùng màn hình thủy tinh để chống trầy và cải thiện chất lượng hiển thị. Zhou Qunfei kể lại: "Tôi nhận được cuộc gọi từ Motorola, và họ nói rằng "Cô chỉ cần nói có hoặc không, và nếu câu trả lời là có, chúng tôi sẽ giúp cô thiết lập dây chuyền". Và tôi đã nói có".
Tiếp nối thành công là các công ty điện thoại di động khác như HTC, Nokia, Samsung cũng tìm đến Zhou Qunfei. Đặc biệt, Apple đã chọn Lens Technology làm nhà cung cấp màn hình kính cho siêu phẩm iPhone ra đời năm 2007. Chính điều này đã thúc đẩy Lens Technology đến vị tri thống lĩnh thị trường Trung Quốc. Với điều đó, công ty của Qunfei đã có thể đầu tư thêm cơ sở vật chất và thuê kỹ thuật viên tốt hơn. Với những quan hệ đối tác này đã góp phần tạo nên đế chế Lens Technology với doanh thu 2,27 tỷ USD và 75.000 nhân công làm việc tại 32 nhà máy, sản xuất hơn 1 tỷ màn hình mỗi năm.
Bước lên sàn chứng khoán năm 2015, Lens Technology đã ngay lập tức khiến cho giá trị tài sản ròng của Zhou Qunfei tăng gấp 4 lần, giúp bà trở thành nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Tính đến hiện tại, Lens Technology có giá trị khoảng 11 tỷ USD và Bloomberg ước tính giá trị tài sản của nữ CEO này là 9,2 tỷ USD.
Chia sẻ với các bạn trẻ có đam mê khởi nghiệp bà Zhou Qunfei nói: "Khách hàng sẽ không trả thêm tiền cho sản phẩm chỉ đơn giản vì bạn có bằng cấp cao, nhưng nắm vững kiến thức kinh doanh sẽ giúp bạn duy trì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Bản thân tôi từng tham gia các khóa học bán thời gian trong khi làm công nhân nhà máy và có chứng chỉ về kế toán, vận hành máy tính và thậm chí là bằng lái xe tải. Khi không ngừng học hỏi, bạn sẽ có khả năng phát triển".
Tỷ phú Zhou Qunfei cho rằng, nhiều người sẽ cảm thấy nhụt chí khi thất bại. Tuy nhiên, chìa khóa để thành công lại nằm ở việc kiên trì, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn nhất. Để xây dựng tinh thần làm việc nhóm, Zhou Qunfei từng đưa 20 nhân viên trong nhóm điều hành công ty đi leo một ngọn núi cao hơn 1.500 mét (so với mực nước biển). Một số người muốn bỏ cuộc giữa chừng nhưng bà đã cương quyết yêu cầu họ hoàn thành chuyến hành trình đặc biệt đó.
Tỷ phú Zhou Qunfei nói với họ rằng: "Nếu bỏ dở giữa chừng, bạn sẽ không có đủ dũng khí để quay lại và bắt đầu lại từ đầu, bạn sẽ vẫn bỏ cuộc. Chỉ khi kiên trì vượt qua trở ngại, bạn mới có thể đạt được thành công".
Link gốc