Ứng xử khi sếp thiên vị

Đã bao giờ bạn phải làm việc với một người sếp thiên vị, chỉ quan tâm đặc biệt tới một đồng nghiệp của bạn, thậm chí còn bao che sai lầm của người đó? Bạn đã/sẽ làm gì nếu rơi vào tình huống như vậy?

Các chuyên gia nghề nghiệp đưa ra một số lời khuyên giúp bạn vượt qua tình huống này:

Tìm hiểu lý do cho sự quan tâm đặc biệt của sếp

Liệu sếp và người kia có phải là bạn bè từ hồi học đại học hay từng có thời gian làm việc chung trước đó ở một công ty khác? Hay đơn giản là sếp tin tưởng người đó vì khả năng và hiệu quả công việc của anh/cô ấy? Biết được lý do của sự ưu ái đặc biệt từ sếp dành cho người đồng nghiệp kia sẽ giúp bạn quyết định đó có phải là sự thiên vị thiếu công bằng hay không.

Xác định bạn có thật sự là “nạn nhân” trong sự thiên vị của sếp

“Trước khi khẳng định sếp có thiên vị cho đồng nghiệp mà cố tình phớt lờ mình hay không, bạn cần xác định lại tình hình. Có thể sếp yêu quý người kia bởi anh/cô ấy có sự thể hiện tốt hơn bạn. Và như vậy, bạn nên tìm cách cải thiện hiệu quả công việc của bản thân thay vì so đo với đồng nghiệp”, Marsha Egan - chuyên gia về công sở, CEO của InboxDetox.com và tác giả cuốn sách Inbox Detox và thói quen sử dụng email một cách thông minh - đưa ra lời khuyên. 

Lên tiếng

Nếu sự thiên vị của sếp đã quá rõ ràng và ảnh hưởng tới công việc của bạn, đã đến lúc phải lên tiếng. Tuy nhiên, đây là vấn đề tế nhị và bạn cần khéo léo trong từng lời nói của mình. Lynn Taylor - chuyên gia về công sở và tác giả cuốn sách Thuần hóa “bạo chúa” công sở - góp ý: “Bạn không nên mỉa mai sếp rằng mình đã làm việc ở công ty một thời gian dài nên hiểu chuyện gì đang diễn ra hay nói dông dài về mối quan hệ của bạn với sếp. Hãy suy nghĩ thấu đáo và luyện tập những điều bạn định nói nếu cần thiết”. Bạn cần nói rõ ràng, bình tĩnh và ngắn gọn rằng công việc gần đây của bạn gặp trở ngại gì và sếp suy nghĩ ra sao về điều đó.

Egan cũng đồng tình: “Bạn cần khôn ngoan trong việc chất vấn sếp về nghi ngờ của mình. "Buộc tội” sếp hay đề cập rằng những người khác trong văn phòng cảm thấy sếp đang bao che cho một người nào đó chỉ khiến bạn trở nên nhỏ nhen và tạo ra sự thù địch với sếp. Nó có thể phản tác dụng. Tốt hơn là không nên thảo luận về sự bao che, mà hãy hỏi về công việc của bạn và đề nghị sếp giúp đỡ”.

Tiếp tục làm việc chăm chỉ

Hãy chuyên nghiệp và làm tốt công việc của mình để chứng tỏ bạn quan tâm tới nhóm, công ty và khách hàng. Teri Hockett - giám đốc điều hành của một website nghề nghiệp cho nữ giới - nói: “Đừng bao giờ để sự thiên vị thiếu lành mạnh của cấp trên ảnh hưởng tới công việc của bạn”.

Không tức giận với người được ưu ái

Đó thường không phải là lỗi của nhân viên khi anh/cô ấy nhận được sự ưu đãi đặc biệt từ cấp trên, do đó đừng đổ lỗi hay cư xử không phải phép với họ. Dù có vẻ khó khăn nhưng hãy cố gắng duy trì mối quan hệ công việc bình thường với nhân viên được đặc cách.

Lạc quan

Trong bất cứ tình huống nào khi bạn nghi ngờ về sự thiên vị, bao che của sếp dành cho ai đó, hãy duy trì sự lạc quan và tích cực. Để nó ảnh hưởng tới chất lượng công việc hay suy nghĩ của bạn chỉ khiến tinh thần bạn ngày càng đi xuống. Bạn cũng không nên than phiền về sự thiên vị này với một đồng nghiệp khác dù bạn có thể cảm thấy khá hơn khi nói ra nhưng trong mắt mọi người, bạn lại được xem là kẻ nhỏ nhen, ghen ăn tức ở, thậm chí bịa chuyện về người khác.

Kiên nhẫn

Nếu người được sếp bao che, ưu ái thật sự không đáng nhận được điều đó, hãy kiên nhẫn. Qua thời gian, sếp rốt cuộc sẽ sớm nhận ra mình đã đánh giá lầm và cần một người mới. Khi đó, hãy đảm bảo bạn nằm trong danh sách đầu tiên sếp nhớ tới.

Nói chuyện với phòng nhân sự

Bạn không bao giờ muốn trở thành người khơi mào một cuộc chiến, nhưng nếu đã cố làm mọi thứ và không có gì thay đổi, hãy tìm tới phòng nhân sự để xem có sự lựa chọn nào khác, Hockett gợi ý.

Cố gắng giao tiếp thường xuyên hơn với sếp

Nếu sự thiên vị trở nên nghiêm trọng và bạn bị phớt lờ, bạn sẽ trở nên cay nghiệt trong giao tiếp. Bạn có xu hướng “đối đầu” với sếp mỗi khi anh/cô ấy đề cập bạn với người đồng nghiệp được ưu ái kia. Làm như vậy chỉ khiến tình huống xấu thêm.

Thay vào đó, bạn cần tập hợp những đồng nghiệp có cùng suy nghĩ rằng sếp đang cư xử thiếu chuyên nghiệp khi bao che cho cấp dưới. Mọi người nên cố gắng dành nhiều thời gian ở bên nhau như ăn trưa cùng nhau thường xuyên hơn hay rủ nhau “đi nhậu” sau giờ làm. Những cuộc vui tập thể như vậy chính là cơ hội để mọi người giãi bày tâm sự, từ đó hiểu nhau hơn. Sếp chắc chắn sẽ hiểu ý khi cả tập thể có ý kiến về sự quan tâm đặc biệt của mình với một nhân viên cấp dưới.


  • 08/07/2016 05:41
  • Nguồn bài: Tuổi trẻ
  • 1680