Hậu quả của tranh luận không đúng mực
Không có gì sai với các bất đồng trong quá trình làm việc nhóm, miễn là nó được xử lý một cách chuyên nghiệp. Chúng ta được học về kỹ năng giải quyết mâu thuẫn tại trường học, tại các khóa học về kĩ năng mềm, thậm chí bản thân từng cá nhân cũng hiểu rằng việc giữ chừng mực trong tranh luận là vô cùng cần thiết. Thế nhưng có những lúc bạn giật mình nhận ra mình đang ở trung tâm một cuộc tranh luận và mọi thứ dường như đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
Không đơn thuần là những lập luận với thái độ đúng mực để bảo vệ quan điểm nữa, bạn bắt đầu lớn tiếng hơn, cảm thấy khó chịu trong người, thể hiện cảm xúc tức giận ra bên ngoài một cách rõ ràng… Nếu tiếp tục, rất có thể cuộc tranh luận này sẽ vượt ra khỏi phạm vi công việc gây ra hàng loạt những vấn đề xấu: Gây bất hòa, rạn nứt mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, đánh mất sự tôn trọng và tin tưởng, giảm hiệu suất công việc… Thông thường những hậu quả này đều sẽ khiến bạn hối tiếc khi nhìn lại.
Anh Thái Nguyên, nhân viên văn phòng TP.HCM chia sẻ: “Kỉ niệm đáng nhớ nhất của mình đó là vụ cãi nhau với đồng nghiệp ở công ty cũ. Khi đó hai đứa đang brainstorm (động não) về chiến lược marketing cho khách hàng. Trong khi đối tác đã nhìn thấy cơ hội hợp tác có lợi cho phía họ, thì cô ấy lại từ chối vì nghĩ công ty không đủ năng lực. Lúc đó vì quá tức giận mình to tiếng với cô ấy, phê phán cô ấy là một quản lý cấp cao mà tầm nhìn lại quá hạn chế. Sau đợt đó mối quan hệ của bọn mình không còn được như trước. Đây cũng là một trong những lý do mình chuyển công tác, cảm giác rất khó làm việc hiệu quả được khi cộng sự trực tiếp đã không còn tôn trọng mình như trước kia”.
Thời điểm nào nên kết thúc tranh luận?
– Bạn hoặc người kia trở nên quá giận dữ:
Bạn cảm thấy sự thay đổi trong giọng nói như to tiếng, hụt hơi hoặc run và không rõ ràng. Cơ thể trở nên nóng đặc biệt là cổ khuôn mặt, siết chặt hàm, đổ mồ hôi… Tương tự với đối tượng đang tranh cãi cùng bạn, bằng cách quan sát các dấu hiệu bạn có thể xác định được họ có đang giận dữ hay không. Nếu có, hãy tạm dừng cuộc tranh luận, một trong hai bạn sắp sửa không kiềm chế được nữa và có khả năng hành động thái quá.
Nên tạm dừng cuộc tranh luận khi một trong hai người có dấu hiệu tức giận
– Bắt đầu xuất hiện yếu tố cá nhân
Hãy chắc chắn rằng tất cả những luận điểm bạn và người kia đưa ra đều nằm trong phạm vi công việc. Khi xuất hiện bất cứ yếu tố cá nhân nào, hãy dừng lại. Nếu tiếp tục, một cuộc cãi vã và công kích cá nhân sẽ là điều không thể tránh khỏi.
– Cuộc tranh luận diễn ra khá lâu và chưa hề có dấu hiệu của kết quả
Hai bên đều có xu hướng bảo vệ tối đa quan điểm của mình và không chịu công nhận luận điểm của người khác. Mọi người thường có xu hướng vì cái tôi cá nhân mà theo đến cùng ý kiến của mình. Hãy tạm dừng để hai bên có cơ hội nhìn nhận lại cuộc hội thoại. Khi không bị tác động, bạn sẽ có những đánh giá khách quan hơn về toàn bộ vấn đề.
Người Mỹ có một câu ngạn ngữ cho việc tranh luận “Bạn thắng càng nhiều cuộc tranh luận, bạn càng ít bạn bè”. Mục đích cuối cùng không phải là chiến thắng, mục đích cuối cùng là tìm ra giải pháp hiệu quả mà không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bạn và người kia.