1. Phải bảo vệ được lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc
Về vấn đề này, xin trích phát biểu của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa tại Diễn đàn Quốc hội khóa XIII: Cần “lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất, nghĩa là phải xác định cho đúng ta, bạn, thù. Ta là đồng bào 54 dân tộc Việt Nam đang sống ở Việt Nam và hải ngoại, ta là nhân dân ta. Bạn là những ai ủng hộ một nước Việt Nam độc lập, chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn thù là thế lực thù địch, đó là những thế lực cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn, an ninh của đất nước. Ngoài những thế lực thù địch ấy thì còn lại là ta và bạn của ta, cho dù có sự khác biệt về phương pháp, quan điểm và nhận thức. Việc xác định không đúng bạn - thù có thể xảy ra tình hình là thay vì thêm bạn bớt thù thì lại thêm thù, bớt bạn hoặc coi bạn là thù và coi thù là bạn” (Dân trí, ngày 01/4)
Và việc “thêm bạn, bớt thù” cũng đòi hỏi ta phải kiên trì, khôn khéo thương lượng và thực hiện cho được nguyên tắc cùng thắng (win- win) hay đôi bên/nhiều bên đều có lợi.
2. Tuân thủ luật pháp, quy tắc ứng xử và tiêu chuẩn quốc tế
Giao tiếp, ứng xử nói riêng, hoạt động kinh doanh với nước ngoài nói chung, cần phải lắng nghe và hiểu rõ ý đồ của đối tác, đồng thời thể hiện rõ ý kiến của ta. Quá trình thương lượng và hợp tác cần phù hợp với cả hai hệ tiêu chí: Luật pháp và Văn hóa của hai bên, nhưng quan trọng nhất là luật pháp, hiệp ước quốc tế mà hai nước đã ký kết. Trong các lĩnh vực chưa có luật pháp điều chỉnh thì ta phải chủ động làm và đề nghị bạn cùng tuân thủ các bộ quy tắc ứng xử và các thông lệ/tập quán có liên quan. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, thói quen ứng xử “một bồ cái lý không bằng một tý cái tình” đang dần dần bị loại bỏ, không thể tồn tại ảo tưởng rằng, cứ xây dựng quan hệ tốt với đối tác nước ngoài họ sẽ nể tình, thông cảm, bỏ qua cho một vài tiêu chuẩn/quy định quốc gia.
3. Hiểu biết nền văn hóa nước đối tác, có ứng xử hiệu quả trong kinh doanh
Dù đối tác đến từ nền văn hóa nào, họ đều cảm mến những cán bộ, công chức, doanh nhân Việt Nam có tâm, có tầm, có tài và hành vi ứng xử phù hợp, “có lý có tình”. Nếu nước ta có truyền thống mời trầu “mở đầu câu chuyện” thì khi đi nước ngoài, ta có thể chứng tỏ sự tôn trọng và quý mến bạn bằng cách tặng họ những món quà nhỏ mang bản sắc văn hóa Việt Nam làm kỷ niệm khi lần đầu gặp mặt.
Chọn “món quà nhỏ”, nhưng có ý nghĩa cũng đòi hỏi phải tìm hiểu về luật pháp, văn hóa, nhu cầu và sở thích của đối tác. Ở một số nước phát triển, như Nhật Bản chẳng hạn, người nhận sẽ mở quà tặng và hỏi giá trị của nó, nếu món quà có giá từ 50 USD trở lên họ sẽ không được phép giữ mà phải nộp cho cơ quan. Xin đừng bắt chước nhau chuyện tặng quà. Tôi đã chứng kiến nhiều đoàn Việt Nam đi công tác Trung Quốc đều mang tặng những bức tranh sơn mài đắt tiền vừa nặng vừa khó tìm được chỗ treo.
4. Tránh những điều kiêng kỵ và sai lầm trong giao tiếp, ứng xử
Năng lực giao tiếp, ứng xử và kinh doanh với đối tác nước ngoài đòi hỏi cán bộ, công chức, doanh nhân Việt Nam phải không ngừng học tập thái độ, kiến thức và kỹ năng đối ngoại, trong đó theo tôi, thái độ là quan trọng nhất. Một thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ về nước đối tác, tìm hiểu về tổ chức và cá nhân người đại diện, tránh sai phạm về các quy định lễ tân, nghi lễ với họ; tránh thái độ thiếu kiềm chế khi giao tiếp, thương lượng với họ như quá vồ vập, gây sức ép quá mức hay nôn nóng, bực tức...
Cũng cần tránh làm những điều phạm húy, kiêng kỵ trong quan hệ với họ như nhận xét về Hoàng gia, nói chuyện hoặc mời người theo đạo Hồi ăn thịt lợn, người Hin Đu ăn thịt bò, người châu Âu ăn thịt chó v.v... Đây là những loại sai lầm dễ mắc, nhưng khó sửa chữa trong giao tiếp đa văn hóa.
5. Xây dựng lòng tin chiến lược và duy trì hợp tác lâu dài với đối tác chọn lọc
Ngành Điện và các ngành kinh tế khác của Việt Nam đều có mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững, có đối tác chiến lược được chọn lọc qua thực tiễn kinh doanh, tiếp tục hợp tác lâu dài. Muốn xây dựng “lòng tin chiến lược”, người Việt Nam phải đàng hoàng, giữ chữ tín, vượt qua được những rào cản của sự khác biệt về thể chế, pháp luật, ngôn ngữ và văn hóa. Giao tiếp, ứng xử xuyên văn hóa thành công là một yêu cầu và năng lực cần thiết đối với doanh nhân Việt Nam, nhất là đối với bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế.