Ứng xử khi bị “ăn mắng”

Bị “ăn mắng” trong công việc khiến nhân viên cảm thấy xấu hổ và giá trị bản thân giảm sút trầm trọng. Không ai mong muốn như vậy nhưng theo các chuyên gia nhân sự, trong môi trường làm việc căng thẳng như hiện nay, tình huống thiếu chuyên nghiệp đó lại khá phổ biến.

“Có hàng đống lí do khiến mọi người quát mắng nơi công sở, như do tức giận, căng thẳng, thất vọng, tính sĩ diện cá nhân, thiếu ngôn từ chuyên nghiệp…”, Chris Posti, chủ tịch của Công ty tư vấn nhân sự Posti và Cộng sự, giải thích.

Và ông đưa ra lời khuyên cho những người rơi vào tình huống này: “Nếu không may rơi vào trường hợp như vậy, cái giá cho những phản ứng của bạn có thể phụ thuộc vào người lớn tiếng với bạn. Nhưng cho dù vấn đề là gì, bước đầu tiên cần làm là luôn duy trì sự bình tĩnh”.

Cụ thể hơn, các chuyên gia nghề nghiệp đã đưa ra một số lời khuyên giúp bạn ứng xử khi bị khách hàng, đồng nghiệp và sếp mắng:

Đối với khách hàng

Nếu khách hàng lớn tiếng trong khi bạn đang cố gắng giúp đỡ anh/cô ấy, bạn có thể chần chừ không biết cách phản ứng và thấy khó chịu. Nhưng điều cần làm là chú ý lắng nghe những điều khách hàng muốn nói, như lắng nghe một người góp ý về sản phẩm hay công ty bạn.

Posti đưa ra lời khuyên: “Hãy cố gắng thấu hiểu tình huống từ quan điểm của khách hàng dù bạn bị đối xử tồi tệ ra sao bởi đó là cách thể hiện sự chuyên nghiệp”.

Tác giả cuốn sách “How to lose friends and Infuriate your boss” (tạm dịch: Làm thế nào để mất bạn bè và chọc giận ông chủ của bạn) - Jonar Nader, góp ý thêm: “Phản ứng lại là điều không nên. Một khách hàng nóng tính sẽ không lắng nghe những gì bạn nói nên tốt nhất hãy để họ trút hết cơn giận của mình”.

Nếu phản ứng lại một cách tiêu cực, khách hàng sẽ càng giận dữ hơn và có nguy cơ dẫn tới một cuộc cãi vã lớn. Điều đó sẽ ảnh hưởng xấu tới bạn và công ty. Còn nếu khách hàng vẫn không hài lòng, có lẽ đã đến lúc người quản lí của bạn vào cuộc.

Đối với đồng nghiệp

Bị những người làm việc cùng mình hàng ngày lớn tiếng mắng mỏ có thể là điều khó chấp nhận. Nhưng hãy nhớ một cuộc tranh cãi với đồng nghiệp có thể gây ra hậu quả trong dài hạn. Vì vậy, bạn cần khéo léo ứng xử để mọi chuyện kết thúc trong hòa bình.

Thay vì phản ứng lại ngay lập tức, hãy chờ cho tới khi đồng nghiệp của bạn bình tĩnh. Matt Angello, chuyên gia của tập đoàn tư vấn Bright Tree, nói: “Hãy gặp họ sau khi tình huống đã nguội, tất nhiên không thể bỏ qua nó”.

Hãy bình tĩnh nói với họ rằng bạn mong muốn được làm việc trong môi trường mọi người tôn trọng lẫn nhau nên bạn không đánh giá cao hành động thiếu chuyên nghiệp của đồng nghiệp và rằng mâu thuẫn giữa 2 bên cần được giải quyết triệt để theo cách nhẹ nhàng hơn.

Alexander Kjerulf, tác giả cuốn sách Happy hour is 9 to 5, bổ sung thêm “Sau khi nói lên suy nghĩ của mình, hãy cố gắng xây dựng lại mối quan hệ với đồng nghiệp. Dù có mất thời gian, bỏ qua mâu thuẫn và tiếp tục đồng hành cùng nhau sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn trong công việc.

Đối với sếp

Khi cấp trên lớn tiếng, thật khó để bạn có thể giải quyết bằng lí trí. Nhưng nếu phản ứng lại một cách gay gắt sau khi bị sếp mắng mỏ, bạn có thể phải đánh đổi bằng công việc của mình. Hãy bình tĩnh tìm cách kiểm soát vấn đề trước khi đưa ra quyết định.

Trước tiên, hãy xem xét lại bản thân mình. Nader nói, bạn nghĩ rằng sếp vô cớ hét lên với mình vì những điều nhỏ nhặt nhưng có thể những sai lầm nhỏ đó có thể gây ra hậu quả lớn và sếp to tiếng để bạn nhận thức được vấn đề một cách nghiêm túc. Hãy cân nhắc kĩ trước khi thực hiện một cuộc nói chuyện với sếp. Nói với sếp rằng bạn đã nhận thức được vấn đề và bạn mong sếp sẽ có cách tiếp cận khác hơn là to tiếng với nhân viên trước mặt mọi người. Nếu tai nạn đó chỉ xảy ra một lần, tốt nhất là hãy để sếp trút hết bực dọc. Tuy nhiên, nếu bạn liên tục bị mắng mỏ, có thể đã đến lúc thay đổi công việc hoặc tới phòng nhân sự.

Nader kết luận: “Quan trọng hơn, hãy coi đây là kinh nghiệm học hỏi. Mọi việc đều mang đến cho chúng ta một bài học gì đó. Một sếp bất lịch sự dạy bạn cách không nên cư xử với mọi người”.


  • 24/05/2016 03:31
  • Nguồn bài: careerbuilder.vn
  • 1671