Nếu bạn là người phụ trách doanh nghiệp, bạn dĩ nhiên cần phải thuê nhân viên. Họ sẽ làm giảm số lượng công việc gánh trên vai bạn, cho phép bạn tập trung vào việc chăm sóc khách hàng và phát triển công ty. Nhưng thật không may, mọi thứ đâu dễ đi theo kế hoạch như vậy. Dù cho những nhân viên có hứa hẹn thế nào trong cuộc phỏng vấn hoặc quá trình đào tạo thì họ vẫn có thể dễ dàng làm khác hoàn toàn.
Một người lười biếng sẽ là một nhân viên không tốt. Việc động viên những người không muốn làm việc là rất khó khăn, khiến cho chủ doanh nghiệp nhiều lúc không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc kỷ luật hay đuổi việc họ. Dưới đây là những kiểu nhân viên lười biếng gây nhiều rắc rối cho doanh nghiệp của bạn.
1. Ninja bí hiểm
Các nhân viên này đôi khi không có mặt ở những thời điểm quan trọng mà không cần đưa ra lời giải thích nào. Họ có thể tốn mất 2 giờ đồng hồ cho bữa ăn trưa hoặc có những ngày nghỉ kéo dài. Những nhân vật như thế đơn giản có thể báo bệnh vào ngày diễn ra một dự án lớn hoặc có mặt trễ trong một cuộc họp sáng quan trọng. Dù là vắng mặt theo kiểu gì, những “ninja” này thường làm bạn thất vọng, cũng như buộc các đồng nghiệp phải gánh trách nhiệm thay họ.
Làm thế nào để đối phó: Đây luôn là một trong những dạng nhân viên khó khăn nhất để kỷ luật, vì "tội" của họ thường xuyên diễn ra ở các hoạt động ít được kiểm soát. Chính vì thế, bạn nên đặt mốc thời gian xác định rõ ràng cho họ, và bắt họ tuân theo một cách nghiêm túc.
2. Người chuyên gặp xui xẻo
Có hàng trăm lý do cho các nhân viên dạng này có thể vịn vào để đến trễ. Ví dụ như: Xe bị xẹp lốp trên đường đi làm, vật nuôi ốm hoặc phải trông con nhỏ bị bệnh. Kiểu nhân viên này thường dám làm mọi thứ để tách mình ra khỏi trách nhiệm công việc. Họ thậm chí có thể “khóa cứng” một vị trí trong nhiều tháng liền bằng cách chỉ làm vừa đủ các công việc cần thiết để đảm bảo hưởng lương.
Làm thế nào để đối phó: Kiểu hành xử này thường xuất hiện ngay từ ban đầu và sẽ không dừng lại. Từ lý do đầu tiên cho đến thứ hai, cho dù họ có gặp sự cố xe cộ hay ốm đau, điều đó có thể thuyết phục bạn lần đầu nhưng hãy chú ý ghi lại. Sau một thời gian, khi lý do thứ năm hoặc thứ bảy được trình bày lại, bạn sẽ muốn chắc chắn rằng bạn đã từng nghe lý do kiểu này trước đây.
3. Chuyên viên trì hoãn
Mọi người ai cũng từng có lần trì hoãn công việc, nhưng kiểu nhân viên này biến điều đó thành một nghệ thuật. Hãy tưởng tượng trường hợp công ty bạn có một dự án lớn và người này chờ đợi cho đến phút cuối cùng mới làm phần việc của mình, bỏ rơi những người khác đang thất vọng và lo lắng. Trong công việc hàng ngày, kiểu nhân viên này dễ dàng đẩy lùi công việc sang một ngày khác trong khi họ đi lãng phí thời gian vào những công việc không cần thiết. Họ vô tình sẽ đặt áp lực không cần thiết lên các thành viên khác trong nhóm, và gây rủi ro cho các dự án đã đến hạn.
Làm thế nào để đối phó: Hãy nghiêm khắc kiểm tra lịch trình nếu các nhân viên kiểu này có tham gia vào dự án. Hãy ra thời gian nhất định hoặc tiến hành các cuộc họp gấp, điều này bắt buộc họ phải thực hiện theo đúng tiến bộ để có thể báo cáo và cũng để họ tự biết là mình có trách nhiệm. Thậm chí nếu có thể, hãy kiểm tra hàng ngày tình trạng của dự án.
4. Chỉ tay năm ngón
Đây là một kiểu nhân viên lười biếng thú vị, là bởi vì họ rất nỗ lực để không động tay vào việc gì cả. Kể cả khi không ở vị trí quản lý, thì họ cũng không ngừng đẩy việc sang cho người khác. Họ có thể khiến mọi việc rơi vào một vòng xoáy đi xuống, và đặt danh tiếng của bạn vào tình trạng rủi ro, đặc biệt nếu người đó lười nhác tới mức đẩy công việc sang cả khách hàng.
Làm thế nào để đối phó: Kiểm tra họ thường xuyên và nắm khối lượng công việc của họ. Phân công công việc cụ thể cho họ bằng cách nói thẳng rằng, "Tôi giao cho anh dự án này và chỉ anh mà thôi". Hãy gọi và cho họ biết họ sẽ phải bị kỷ luật nếu có sai phạm.
5. Trùm phá rối
Thành phần nguy hiểm nhất có lẽ chính là những kẻ gây rối, người không lo làm việc mà chỉ dành thời gian gây xáo trộn khắp văn phòng. Họ thường đi hết từ bàn này tới bàn khác, nói xấu đồng nghiệp và thường ngồi lê đôi mách với nhau. Trường hợp họ không cảm thấy tự tin khi tham gia nói chuyện cùng mọi người, họ chuyển sang phương pháp tán gẫu qua email hoặc trực tuyến. Thành phần này gây ảnh hưởng trực tiếp lên năng suất làm việc của mọi người trong văn phòng, và thậm chí khiến doanh nghiệp của bạn có rủi ro bị lộ bí mật doanh nghiệp.
Làm thế nào để đối phó: Đây là một kiểu rất khó khăn để đối phó, vì họ không hề vi phạm bất kỳ quy tắc nào nhưng thực tế vẫn gây ảnh hưởng đến môi trường làm việc. Hãy chú ý gần gũi và quan tâm với họ hơn. Đây là một triết lý cũ: "Giữ bạn bè gần gũi, và giữ cho kẻ thù ngay bên cạnh mình". Hãy trao đổi để tìm ra những vấn đề của họ thực sự là gì. Nếu mọi nỗ lực không thành công hay khiến bạn quá mệt mỏi, hãy ghi chú lại cẩn thận để có lý do xác đáng buộc họ ra đi.
Các doanh nhân thường có ít thời gian xả hơi. Khi một nhân viên trong nhóm tham gia gây rối hoặc trốn tránh nhiệm vụ, các ông chủ cần phải nhìn nhận vấn đề và có biện pháp để giải quyết nó triệt để. Trong một số trường hợp, việc thẳng thắn nói chuyện với các nhân viên có thể cải thiện được tình hình, nhưng sẽ có những trường hợp khác nơi mà giải pháp duy nhất là thay thế các nhân viên lười biếng bằng những người làm việc có hiệu quả hơn.