Văn hóa nhận xét, đánh giá đồng nghiệp trong công sở: Làm sao có thể nói thẳng, nói thật?

Trong công sở hiện nay đang tồn tại một thực trạng khá phổ biến, là tâm lý rụt rè, e ngại của CBCNV khi thể hiện quan điểm, chính kiến của mình, nhất là trong các việc như nhận xét, đánh giá về cán bộ, cơ quan lãnh đạo, quản lý cấp trên và nêu ý kiến, quyết định cá nhân về các vụ việc, con người cụ thể… Vậy đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân đầu tiên thuộc về truyền thống văn hoá của dân tộc. Đó là tâm lý, đức tính chung của người Việt là nể nang, né tránh, dĩ hoà vi quý… 
 
Thứ hai là thể chế và cơ chế quản lý ít và khó thay đổi. Tổ chức và quản lý xã hội hiên nay theo cơ chế “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, chức năng quản lý phân chia theo nhiều chủ thể khác nhau, vai trò và trách nhiệm của cá nhân không rõ nên đã tạo ra một tâm lý xã hội là ý kiến cá nhân không quan trọng, không thể thay đổi cơ chế. Mặt khác, sự lãnh đạo tập trung, thống nhất cũng có mặt hạn chế của nó là rất khó thực hiện sự giám sát và phản biện đối với quyền lực; quyền uy của cấp trên luôn tác động đến cấp dưới. 
 
Thứ ba, xuất phát từ sự trải nghiệm qua các cuộc cải cách tổ chức – nhân sự và hành chính không thành công, từ những số phận của những người chống tiêu cực, tham nhũng... bị cộng đồng xa lánh. Mặc dù tự phê bình và phê bình đã được khẳng định không chỉ là việc “rửa mặt hàng ngày” đối với đảng viên mà còn là một nguyên tắc và quy luật của công tác xây dựng Đảng, song trong thực tế vẫn còn “một bộ phận không nhỏ” cán bộ “tài năng có hạn, thủ đoạn vô biên” có thói quen “nhớ lâu, thù dai” Người trung thực, dám nói thật, nói thẳng với cấp trên cần khuyến khích thì lại “bị trù úm, cô lập, thiệt thòi… Nguyên nhân cơ bản là lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình và lợi ích cục bộ, nhóm đang lấn át lợi ích chung.  
 

Ảnh minh họa

 
Muốn giải quyết được căn bản tình trạng này, cần thực hiện các giải pháp sau: 
 
1.Cần thực thi nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước: Đổi mới thể chế quản lý và cải cách hành chính là khâu đột phá cho sự phát triển của nước ta. Từ quản lý của Nhà nước xuống đến quản trị của các tổ chức, doanh nghiệp cần thực hành các giá trị và nguyên tắc cơ bản là hiệu quả, công khai, minh bạch, phát triển bền vững… Cần áp dụng phương pháp pháp trị, xây dựng thể chế với phương pháp nhân trị, đức trị. Trong giai đoạn hiện nay cần ưu tiên, tăng cường pháp trị.
 
2. Xây dựng và quản trị văn hoá của các tổ chức, công sở, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước cần giải quyết cả hai nhiệm vụ: Xây và chống. Ưu tiên xây dựng những tiêu chuẩn văn minh, giá trị tiên tiến cho văn hoá tổ chức như dân chủ, công bằng, trung thực… Đồng thời, kiên quyết chống lại những tư tưởng, thói quen lạc hậu của văn hoá truyền thống, cản trở sự phát triển hiện nay như đã nói ở phần trên. Cần thể chế hoá, cụ thể hoá việc thực hiện nhiệm vụ này bằng việc xây dựng các quy chế, quy ước văn hoá làm việc, ứng xử tại công sở và tăng cường kiểm tra, đánh giá, thưởng - phạt công bằng, thường xuyên. 
 
3. Bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cá nhân người đứng đầu, phải thực sự công tâm, dám nói – dám làm và có tác phong dân chủ, gần dân, trọng dân và học dân. Câu nói “lãnh đạo nào, phong trào/nhân viên ấy” đòi hỏi sự gương mẫu và trách nhiệm cá nhân của người sáng lập, lãnh đạo trong xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp. Những người lãnh đạo luôn nhìn thẳng vào sự thật, khuyến khích nhân viên nói thật, nói thẳng là người có phẩm cách đạo đức cao và có khả năng tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp, tổ chức. 
 
4. Trung thực, dám nói thật, nói thắng cần được coi là tiêu chuẩn không thể thiếu trong công tác quy hoạch, đào tạo, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý của khu vực công và là mục tiêu của chế độ dân chủ ở nước ta. Họ chính là những chủ thể, hạt nhân tiên tiến đấu tranh chống lại tiêu cực, thực thi và phát triển văn hoá tiên tiến. Mặt khác, lãnh đạo và tổ chức cần tạo cho họ có cơ hội, điều kiện để thể hiện phẩm chất, năng lực của mình đúng lúc, đúng chỗ, đóng góp và tạo hiệu quả hoạt động cao cho tổ chức và xã hội. Chúng ta cần thực hành dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh: "Làm sao cho dân mở miệng, đừng để cho dân sợ không dám mở miệng, nhưng điều đáng lo hơn nữa là khiến dân không thiết mở miệng”. 


  • 27/11/2015 03:25
  • Theo Tạp chí Điện lực - Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 2760


Gửi nhận xét