3 đề tài, sáng kiến tiêu biểu của EVN NPT

Hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học, hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) ứng dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực, trong đó phải kể đến 3 đề tài, sáng kiến tiêu biểu được thực hiện thời gian qua.

Làm chủ công nghệ bảo dưỡng máy biến áp 500 kV

Trước yêu cầu cấp thiết là phải bảo dưỡng được các máy biến áp 500 kV tại hiện trường, vừa để tiết kiệm ngân sách, vừa chủ động trong công tác sửa chữa, phục vụ cung cấp điện, Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) đã bắt tay vào nghiên cứu thành công đề tài Lập Quy trình bảo dưỡng máy biến áp 500 kV tại chỗ, áp dụng đối với cả các máy biến áp 220 kV, 110 kV.

Việt Nam đã làm chủ được việc sửa chữa máy biến áp 500 kV - Ảnh PT

Ông Phan Lê Vinh – Trưởng ban Kỹ thuật EVN NPT cho biết: Trong công tác bảo dưỡng các máy biến áp 500 kV việc sấy máy biến áp để tăng cách điện là rất cần thiết. Quá trình thực hiện phải đảm bảo không làm biến đổi, hư hỏng các phần tử máy biến áp. Phương pháp sấy máy biến áp bằng cách gia nhiệt dầu cách điện trong quá trình lọc dầu tuần hoàn để các phần tử trong máy biến áp đều được tăng nhiệt ở 8000c, sau đó rút dầu, duy trì hút chân không trong máy biến áp trong 24 giờ hoặc thực hiện thêm các chu trình như vậy là giải pháp hiệu quả trong quá trình bảo dưỡng máy biến áp. Khi đó lượng ẩm trong cách điện cứng máy biến áp sẽ bị hút và đào thải ra ngoài, đảm bảo tăng cách điện cứng của máy biến áp.

Nhờ sáng kiến này của PTC2, không chỉ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng cho nhà nước, mà quan trọng hơn, Việt Nam có thể chủ động trong công tác bảo dưỡng các máy biến áp 500 kV, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục cho nền kinh tế quốc dân. Việc áp dụng đề tài này còn giúp giảm thiểu thời gian cắt điện cũng như tiết giảm tối đa chi phí bảo dưỡng các máy biến áp 500 kV.

Sáng kiến của PTC2 đã vinh dự được nhận giải nhất tại lễ trao giải thưởng “Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam” (Vifotec) năm 2011 và được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới tặng biểu trưng Vàng cho đề tài xuất sắc nhất giải Vifotec.

Vệ sinh “nóng” sứ cách điện

Ở các nước tiên tiến, việc vệ sinh cách điện vẫn được thực hiện hotline (vệ sinh khi đường dây vẫn mang điện) nhưng phải sử dụng các phương tiện cơ giới hiện đại như máy bay trực thăng hoặc xe thang chuyên dụng; môi chất sử dụng thường là nước cách điện, được bắn rửa với áp lực cao. Trong khi đó, điều kiện kinh tế đất nước ta còn khó khăn, kinh phí eo hẹp, việc đầu tư trang bị công nghệ, phương tiện, thiết bị vệ sinh hiện đại là không khả thi.

Vì vậy, các đơn vị truyền tải vẫn phải thực hiện giải pháp cắt điện đường dây để công nhân trèo lên cột làm vệ sinh thủ công từng bát sứ. Mỗi lần tổ chức vệ sinh phải điều động toàn bộ nguồn nhân lực đường dây hiện có ở các đơn vị để làm vệ sinh (khoảng 350 người cho 500 vị trí/ngày). Cách làm này rất tốn thời gian và tiền của, đồng thời, việc cắt điện đường dây truyền tải tăng nguy cơ mất ổn định của hệ thống điện và thiếu nguồn cho phụ tải.

Vệ sinh sứ cách điện bằng nước áp lực cao - Ảnh PV

Nhằm giảm thiểu việc cắt điện, chủ động xử lý nhiễm bẩn cách điện, các kỹ sư của Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đã mạnh dạn đăng ký nghiên cứu đề tài “Vệ sinh cách điện lưới truyền tải đang mang điện bằng nước áp lực cao”. Đây là giải pháp không chỉ phù hợp với đặc thù quản lý vận hành và khả năng tài chính của ngành Điện trong giai đoạn hiện nay, mà còn là hướng suy nghĩ táo bạo và đầy sáng tạo của những cán bộ kỹ thuật PTC3.

Việc vệ sinh sứ cách điện bằng giải pháp hotline trên lưới điện truyền tải quốc gia là công việc hoàn toàn mới, chưa từng được làm ở Việt Nam, nên chưa có qui trình, qui phạm để tuân thủ, chưa có tài liệu kỹ thuật để tham chiếu. Vì vậy, đòi hỏi PTC3 phải đầu tư nhiều công sức để nghiên cứu.

Đề tài thực hiện phương pháp khử ion theo công nghệ mới để nước không còn khả năng dẫn điện. Kết quả này cho phép người quản lý có thể trang bị hệ thống xử lý nước ngay trên ôtô và vận hành ngay tại hiện trường với chi phí đầu tư thấp, khá gọn nhẹ. Nước cách điện (đã qua xử lý ion) được chứa trong bồn sạch, trên bồn nước có gắn thiết bị giám sát online cách điện của nước. Bồn nước có thể bố trí cùng với thiết bị động lực và hệ thống xử lý nước trên một xe tải để tiện cơ động. Nước được bắn lên theo vòi với áp lực cao 70 - 100kg/cm2 để rửa sạch bụi bẩn.

Sau hơn 2 năm nghiên cứu và thực nghiệm thành công trong xưởng và thử nghiệm ở hiện trường lưới 220 kV, 500 kV, đề tài đã được áp dụng vào thực tế và rất thành công. 

Sáng kiến của PTC3 đã đạt giải Nhì cuộc thi “Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2011. 

Trung tâm điều khiển xa cho trạm biến áp

Việc xây dựng các trạm biến áp (220 kV, 500 kV) ít người trực, tiến tới không người trực là yêu cầu cần thiết trong quá trình hiện đại hóa, tăng cường khả năng truyền tải và độ an toàn, tin cậy cho hệ thống điện quốc gia. Các trạm biến áp trên lưới điện truyền tải các cấp điện áp 220 kV và 500 kV ở nước ta hiện nay được trang bị hệ thống tự động hóa ở các mức độ khác nhau, được phân thành hai loại điều khiển: Kiểu truyền thống và bằng máy tính.

EVN NPT đang hướng đến mục tiêu các trạm biến áp không cần người trực - Ảnh: H.Hiếu

Đối với các trạm biến áp vận hành từ năm 1998 trở về trước thực hiện điều khiển và giám sát thông số ngăn lộ theo kiểu truyền thống từ tủ điều khiển, bằng khóa điều khiển. Chức năng giám sát trạm từ các trung tâm điều độ cũng chỉ được thực hiện thông qua tủ thu thập thông tin xa (RTU) trong đó có các bộ biến đổi tín hiệu riêng biệt, chưa có hệ thống tích hợp thông tin và xử lý cảnh báo chung cho toàn trạm.   

Trong khi đó, các trạm được giám sát, điều khiển bằng hệ thống tích hợp từ máy tính đã thể hiện rõ ưu thế vượt trội so với kiểu truyền thống, đặc biệt là khả năng thu thập, xử lý và lưu trữ một lượng thông tin rất lớn với mức độ chính xác rất cao. Đồng thời, mở ra khả năng tự động hóa hoàn toàn công tác vận hành trạm biến áp. Chính vì thế, theo EVN NPT, việc ứng dụng công nghệ máy tính là bước trung gian để xây dựng trạm biến áp ít người trực hoặc không người trực vận hành, đáp ứng bài toán tối ưu hóa cho hệ thống điện, đồng thời hướng đến phát triển hệ thống lưới điện thông minh theo lộ trình của Chính phủ đề ra.

Ông Phan Lê Vinh – Trưởng ban Kỹ thuật (EVN NPT) cho biết, ưu điểm của trạm biến áp này là nâng cao năng suất lao động, giảm khối lượng công việc mà nhân viên vận hành phải thường xuyên theo dõi, ghi chép và báo cáo để thực hiện các công tác chuyên môn khác; giảm thiểu đầu tư cáp, các thiết bị trung gian, nâng cao độ tin cậy làm việc chính xác của thiết bị, đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục; giảm thiểu sự cố do thao tác nhầm của người vận hành, nâng cao mức độ an toàn cho người vận hành; đáp ứng các yêu cầu của vận hành thị trường điện. Hiện tại nước ta đã thực hiện thử nghiệm thành công Trung tâm điều khiển xa tại Công ty truyền tải điện 4 cho các trạm biến áp 220 kV Thủ Đức và Bến Tre.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng giám đốc EVN NPT: Từ năm 2008 đến nay, toàn EVN NPT đã có hơn 1.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Nhiều đề tài đã được đánh giá cao và được ứng dụng trong sản xuất.

Ngoài ra, EVN NPT còn áp dụng nhiều công nghệ mới như: Trang bị Corocam để ghi hình vầng quang điện trên các chuỗi sứ nhằm ngăn chặn sự cố do phóng điện; sử dụng sứ composit thay cho sứ cách điện thủy tinh lắp cho các đoạn đường dây ở khu vực bị nhiễm bẩn, mọc rêu; tiếp thu công nghệ cột dự phòng khẩn cấp (trụ Kema) do Hà Lan chuyển giao để sẵn sàng xử lý sự cố; công nghệ giám sát dầu trực tuyến và phóng điện cục bộ máy biến áp (MBA) nhằm sớm phát hiện nguy cơ gây sự cố... 

 


  • 10/07/2013 08:23
  • Xuân Tiến
  • 5047


Gửi nhận xét