Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp EVN họp phiên đầu tiên năm 2022

Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp EVN họp phiên đầu tiên năm 2022 qua hình thức trực tuyến vào ngày 20/1. Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì phiên họp.

Theo Ban Tổ chức và Nhân sự Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Thành viên Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (ĐM&PTDN) EVN, năm 2021, thực hiện Chỉ thị số 809/CT-EVN ngày 22/2/2021 về thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hoá (CPH) và thoái vốn năm 2021 của EVN, toàn tập đoàn đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ đề ra.

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành chủ trì phiên họp đầu tiên năm 2022 của Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp EVN.

Trong đó, đã hoàn thành rà soát, sửa đổi, bổ sung Điều lệ EVN phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020; xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của EVN giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án thành lập Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu khoa học thuộc EVN, báo cáo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đã hoàn thành chuyển Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2) thành công ty cổ phần. EVN cũng đã phê duyệt và triển khai thực hiện các đề án có vai trò quan trọng đối với công tác quản trị doanh nghiệp của tập đoàn như đề án nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đề án tổng thể chuyển đổi số,...

Cũng theo báo cáo, mặc dù EVN đã chủ động xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp (ĐMDN) của EVN giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở các quy định pháp lý hiện hành, tuy nhiên, văn bản pháp lý quan trọng làm căn cứ để các tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng đề án vẫn chưa được ban hành (Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025). Đến nay, Chính phủ cũng chưa ban hành Nghị định về thành lập, tổ chức lại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và công ty con là công ty TNHH MTV; chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Do vậy, chưa bãi bỏ Nghị định 69/2014/NĐ-CP ngày 15/7/2014 của Chính phủ về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước, gây khó khăn cho EVN trong việc sắp xếp một số doanh nghiệp cấp III.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành nhấn mạnh, công tác thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp là nhiệm vụ không dễ dàng, nhưng EVN đã, đang và sẽ quyết tâm thực hiện có hiệu quả, vượt qua những khó khăn để bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại tập đoàn, cũng như vốn đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết. 

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, công tác đổi mới không chỉ được thực hiện trong nâng cao năng lực quản trị, mà còn phải chú trọng đổi mới về công nghệ, tích cực ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng KHCN lần thứ 4 trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng của tập đoàn.

Trong năm 2022, EVN dự kiến triển khai các nhiệm vụ về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp theo chương trình công tác năm 2022 và chỉ đạo khác của Hội đồng thành viên EVN, chuẩn bị triển khai Đề án tổng thể sắp xếp, ĐMDN của EVN giai đoạn 2021-2025. Về công tác cổ phần hoá, EVN sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục để quyết toán cổ phần hoá EVNGENCO 3 - CTCP; quyết toán cổ phần hoá EVNGENCO 2 - CTCP; thực hiện cổ phần hoá Công ty mẹ - EVNGENCO 1 theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền. Về công tác thoái vốn/giảm vốn, EVN sẽ tổ chức thực hiện thoái vốn/giảm vốn của EVN tại các doanh nghiệp khác theo Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của EVN giai đoạn 2021- 2025 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và theo Danh mục chuyển nhượng vốn được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thông qua.

Về đổi mới, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, EVN tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp nâng cao năng lực quản trị theo Đề án nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.


  • 20/01/2022 12:14
  • Thanh Huyền
  • 4596