Tham dự có đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà Nước; các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương,...
Về phía EVN, có đồng chí Dương Quang Thành – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn; lãnh đạo các Ban Chiến lược EVN, Truyền thông EVN.
Đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư biểu dương và chúc mừng những thành tựu Ban Kinh tế Trung ương đạt được trong 70 năm qua
|
70 năm qua, Ban Kinh tế Trung ương qua các thời kỳ đã tham mưu cho Đảng đề ra các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội một cách kịp thời, phù hợp với hoàn cảnh thực tế và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng do Ban tham mưu, đề xuất được thể hiện đầy đủ, sâu sắc trong Cương lĩnh của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết định của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong đó, có những chủ trương, đường lối đã tạo ra những bước ngoặt có tính đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam.
Với những thành tích đã đạt được, Ban Kinh tế Trung ương đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao những đóng góp to lớn, những thành tích của Ban Kinh tế Trung ương trong 70 năm qua với vai trò là cơ quan tham mưu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng. Cũng theo đồng chí Trần Quốc Vượng, đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, với rất nhiều thách thức. Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo; kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, khoa học và hiệu quả; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cả về năng lực và bản lẫn chính trị…, để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết nhiệm vụ trong thời gian tới của Ban Kinh tế Trung ương rất nặng nề nhưng cũng rất tự hào. Tập thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Ban sẽ tiếp tục phát huy truyền thống 70 năm vẻ vang để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Khẳng định dấu ấn trong sự phát triển của ngành Điện lực
Quá trình phát triển của ngành Điện lực gắn liền với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó có vai trò tham mưu quan trọng của Ban Kinh tế Trung ương trong việc đề ra các chủ trương, quyết sách vĩ mô.
Với quan điểm “Phát triển điện lực luôn đi trước một bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cho an ninh, quốc phòng”, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 26-KL/TW ngày 24/10/2003 về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành Điện lực Việt Nam; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Ban Chấp hành Trung ương về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Chương trình “Ban Kinh tế Trung ương – 70 năm với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế Đảng” ôn lại truyền thống vẻ vang, những mốc son quan trọng trong chặng đường 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của Ban Kinh tế Trung ương. Trong ảnh: Các đại biểu dự chương trình.
|
Ngay sau khi Nghị quyết 18 được ban hành, Đảng ủy EVN đã có chỉ đạo và Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện, điều hành các đơn vị thành viên hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng. Với những giải pháp quyết liệt, bám sát chủ trương, nội dung, chính sách của Nghị quyết, giai đoạn 2007 - 2019, ngành Điện lực Việt Nam nói chung và EVN nói riêng đã có những bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt.
Tổng công suất đặt của nguồn điện tăng 4,2 lần (từ gần 13.000MW lên trên 55.000MW); trong đó đưa vào vận hành nhiều nguồn điện công suất lớn như Nhà máy Thuỷ điện Sơn La (2.400MW), Lai Châu (1.200MW) và nhiều nhà máy nhiệt điện lớn khác. Sản lượng điện thương phẩm tăng 3,6 lần (từ 58,44 tỷ kWh lên 209,8 tỷ kWh); tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 11,4%/năm.
Tổn thất điện năng giảm từ mức 10,56% xuống 6,5%, ngang bằng với các nước thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực; chỉ số tiếp cận điện năng tăng hạng vượt bậc qua từng năm, đến năm 2019 đã giữ vững vị trí 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế.
Đặc biệt, cung cấp điện nông thôn là điểm sáng được quốc tế đánh giá cao. Đến thời điểm cuối 2019 đã cấp điện cho 100% số xã và 99,25% số hộ dân nông thôn; đã đưa điện đến 11/12 huyện đảo của cả nước, trong đó một số đảo được cấp từ lưới điện quốc gia qua hệ thống cáp ngầm xuyên biển như Phú Quốc, Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Nhơn Châu, Cô Tô…
Thị trường phát điện cạnh tranh được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 7/2012, đến nay đã có gần 100 nhà máy điện tham gia. Hiện nay, Việt Nam đang thí điểm mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh và xây dựng đề án cho mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh để đi vào vận hành từ năm 2022.
Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên cơ sở tham mưu của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết là sự định hướng sáng suốt của Đảng cho sự nghiệp phát triển của ngành Điện nói chung và EVN nói riêng.
Nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 55, tạo ra những phát triển đột phá cho ngành Điện lực Việt Nam trong thời gian tới, Đảng ủy EVN đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55 với những nội dung và giải pháp chủ yếu.
Cụ thể, giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; vận hành hệ thống điện bảo đảm an toàn, tin cậy, ổn định theo hướng chú trọng nâng cao hệ số công suất khả dụng và có dự phòng công suất phù hợp; vận hành thị trường điện đảm bảo công khai, minh bạch; đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái.
Kết hợp giữa công nghệ mới hiện đại với hoàn thiện cải tiến công nghệ hiện có, nhằm nâng cao hiệu suất, tiết kiệm năng lượng. Ứng dụng công nghệ nguồn và lưới điện tiên tiến, đảm bảo phát triển ổn định, phù hợp với điều kiện, khả năng đầu tư của Tập đoàn với giá thành hợp lý và bảo vệ môi trường. Hiện đại hoá hệ thống điều độ, vận hành, thông tin liên lạc, điều khiển và tự động hoá phục vụ điều độ lưới điện. EVN phấn đấu đến năm 2022 sẽ trở thành doanh nghiệp số.
Sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo hướng tập trung vào các lĩnh vực chính là sản xuất và kinh doanh điện năng, tư vấn điện; nâng cao năng lực quản trị theo hướng sử dụng các mô hình và thông lệ quản trị tiên tiến; khuyến khích và hợp tác với các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nguồn và lưới điện, tham gia thị trường bán điện cạnh tranh nhằm thu hút nguồn lực xã hội để đảm bảo cung ứng điện; tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết lưới điện; hoàn thiện cơ chế mua bán điện với các nước trong khu vực,...