Tại Hội nghị, ông Tô Xuân Bảo – Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương cho biết: Năm 2014 có 5 cơn bão và 3 cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có 3 cơn bão trực tiếp ảnh hưởng đến nước ta (bão số 2,3,4). Bão số 2 và 3 đổ bộ vào đất liền gây mưa lớn, làm sạt lở, ngập lụt nhiều vùng thuộc khu vực phía Bắc và làm thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống của nhân dân.
Theo thống kê, tổng thiệt hại và chi phí sử dụng để khắc phục hậu quả do thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2014 trong lĩnh vực Công thương ước khoảng 55 tỷ đồng, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (chỉ tính trong bão số 2 và 3, EVN đã thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng).
Trưởng ban PCTT&TKCN Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng yêu cầu các đơn vị cần chủ động ứng phó với thiên tai năm 2015
|
Đánh giá về việc thực hiện của các đơn vị, ông Tô Xuân Bảo cho rằng các đơn vị đã thực hiện nghiêm các quy định về PCTT&TKCN, chủ động xây dựng, sửa đổi, bổ sung phương án PCLB phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị; Dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, vật tư đầy đủ, cung cấp kịp thời; Công tác phối hợp với các địa phương và với các cơ quan/đơn vị có liên quan ngày càng chặt chẽ và đi vào nền nếp.
Riêng EVN và các đơn vị trực thuộc đã làm rất tốt công tác này với việc kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
“EVN đã ban hành nhiều văn bản, công điện để chỉ đạo các đơn vị trong Tập đoàn về công tác an ninh, an toàn, PCTT&TKCN. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án PCTT, 100% công trình thủy điện có phương án PCTT được duyệt và đã triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế. Bố trí trực 24/24h để chỉ đạo kịp thời công tác ứng phó với bão. Tổ chức các đoàn kiểm tra tại các đơn vị trực thuộc và tham gia các đoàn kiểm tra khác khi có yêu cầu. Bố trí lực lượng, vật tư, trang thiết bị dự phòng để ứng phó kịp thời với bão, lũ. Mua sắm trang thiết bị PCTT, cứu hộ, cứu nạn phù hợp với tình hình của đơn vị, bảo đảm có đủ trang thiết bị sẵn sàng huy động khi cần. Số lượng trang thiết bị phục vụ công tác PCTT, cứu hộ, cứu nạn gồm 96 xe cứu hộ, 15 xe chữa cháy, 61 nhà bạt, 1.655 máy phát điện…”, ông Bảo cho biết.
Theo đánh giá của Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng công tác PCTT&TKCN ngành Công Thương 2014 vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như: Sự cố đê quai thủy điện Iakrel 2, sự cố vỡ đập hồ chứa bùn thải; tình hình cung cấp thông tin thủy văn, vận hành hàng ngày trong mùa lũ của các thủy điện nhỏ chưa được thực hiện; một số đơn vị chủ quan, chưa chủ động trong các khâu chuẩn bị, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai; công tác báo cáo của một số đơn vị chưa đầy đủ, kịp thời; công tác tuyên truyền huấn luyện chưa thường xuyên…
Chia sẻ về những khó khăn của ngành Điện trong công tác PCTT&TKCN ông Đặng Hoàng An - Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN EVN cho biết: Hiện EVN đang quản lý quản lý 33 hồ thủy điện với dung tích hữu ích 39 tỷ m3, trên 6.700 km đường dây 500 kV, hơn 12.000 kV đường dây 220 kV và gần 17.000 km đường dây 110 kV, lưới điện đã phủ đến 99,58% số xã. Quy mô hệ thống điện của Việt Nam hiện nay đã đứng thứ 3 Đông Nam Á và 31 thế giới.
Với đặc thù như vậy, công tác PCTT&TKCN được EVN đặc biệt quan tâm. 34/34 đơn vị trực thuộc EVN đều có Ban chỉ huy PCTT&TKCN với 962 đội xung kích từ điện lực cấp huyện trở lên. Hiện các nhà máy thủy điện đều lắp đặt camera giám sát thượng lưu, hạ du đập và các cửa xả tràn, hệ thống được kết nối internet và đưa hình ảnh về Ban chỉ huy PCLB EVN. Đặc biệt, các nhà máy thủy điện đều có hệ thống còi và loa tại chỗ cảnh báo xả lũ hạ du.
“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng có nhiều khó khăn khi lưới điện phủ rộng khắp cả nước, đặc biệt là 5.894 xã được EVN tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ tháng 6/2008 đến nay, những xã mới tiếp nhận này lưới điện rất kém, sau mỗi trận bão đi qua lưới điện bị hư hỏng nặng, phải đầu tư khắc phục, xây dựng mới. Theo tính toán, để hoàn thiện hệ thống điện của những xã này cũng phải cần đến gần 30.000 tỷ đồng. Đây là một con số khổng lồ mà ngành Điện chưa thể thực hiện ngay được. Tuy nhiên, EVN hứa sẽ chuẩn bị đầy đủ nhất về vật tư, thiết bị, con người để hạn chế đến mức thấp nhất thiên tai gây ra”, Phó Tổng GĐ EVN Đặng Hoàng An khẳng định.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, để làm tốt công tác PCTT&TKCN trong năm 2015, ngành Công Thương nói chung, các tập đoàn, tổng công ty căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với điều kiện thực tế chủ động phòng tránh và ứng phó kịp thời với thiên tai. Các đơn vị cần chủ động rà soát, kiểm tra xem đâu là khâu yếu nhất để chủ động khắc phục, đồng thời tổ chức diễn tập với các tình huống cụ thể. Đặc biệt, trong quá trình triển khai cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác đảm bảo 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT&TKCN năm 2014 nhận Bằng khen của Bộ Công Thương
|
Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thành lập Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương. Theo đó, ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công Thương là Trưởng ban. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Đặng Hoàng An – Phó tổng giám đốc là Ủy viên.
Cũng tại Hội nghị, Ban tổ chức đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho 25 tập thể và 30 cá nhân thuộc ngành Công Thương có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT&TKCN năm 2014, trong đó EVN và các đơn vị trực thuộc có 9 tập thể và 12 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương.