Chuyện thu ngân ngày trước…

Cách đây gần 20 năm, khu vực Mai Động, Đền Lừ (khi đó còn thuộc quận Hai bà Trưng) chưa phải là phố phường đông đúc như bây giờ. Dân ở đây hầu hết là những người lao động nghèo. Cứ mỗi lần thu ngân viên đến thu tiền điện là họ lại năm lần bảy lượt khất nợ “Bác cho nhà em khất đã…” - bác Nguyễn Thị Hảo - thu ngân viên của Chi nhánh điện Hai Bà Trưng, Hà Nội nhớ lại.

Bác Nguyễn Thị Hảo (sinh năm 1949) có thâm niên công tác gần 40 năm trong ngành Điện. Trong đó, bác gắn bó với nghề thu ngân viên từ 1989 đến khi nghỉ hưu. Thời kỳ này, bác quản lý khách hàng tư gia ở khu vực Mai Động, Đền Lừ.

Bác kể: “Đó là thời kỳ  sau đổi mới chưa lâu, đời sống xã hội nói chung vẫn còn khó khăn lắm. Mấy chục gia đình chung nhau một cái công tơ tổng. Ti-vi, tủ lạnh, điều hòa đều là những thiết bị vô cùng xa xỉ chứ đâu phổ biến như bây giờ”.

Hằng sáng, bác lên chi nhánh điện nhận hóa đơn mới, buổi chiều đi thu tiền. Sáng hôm sau lên chi nhánh nộp và kiểm đếm hóa đơn tồn rồi lại nhận thêm hóa đơn mới. Vòng quay cứ đều đặn như vậy, đến cuối tháng thì quyết toán, phải thu nộp đủ 100% mới được hưởng lương.
Bác Hảo nhớ lại, khách hàng của bác, mỗi hộ hằng tháng chỉ dùng khoảng mươi, mười lăm nghìn tiền điện/tháng đã là nhiều: “Nhà nào cũng chỉ có bóng đèn thắp sáng thôi, mà dùng cái loại bóng bật lên là nhìn thấy dây tóc cháy đỏ quạch ấy”…

Cột điện, và loa phát thanh từng xuất hiện phổ biến ở Hà Nội thời bao cấp

Khách hàng thường buổi tối mới ở nhà vì ban ngày còn phải chạy chợ kiếm cơm. Giờ giấc làm việc của bác Hảo cũng vì thế mà “chạy theo” họ. Nhà nào chạy chợ đêm thì bác đến vào sáng sớm và ngược lại, không phân biệt ngày thứ bảy hay chủ nhật.

Bác cứ một mình đeo túi, đạp xe lọc cọc đến từng nhà thu tiền, đi sớm về muộn nên cũng rất sợ bị cướp giật. Nhỡ đâu thời buổi khó khăn, ai đó “túng làm liều” thì sao -  bác bảo vậy. Thế nên, “cứ tầm 4 giờ rưỡi chiều là công nhân về đến nhà, mình phải nhanh chân vào thu ngay để ra về trước 6 giờ tối”.

Khi đi thu tiền, bác Hảo cũng nhận được nhiều thắc mắc của khách hàng, đại loại,“vì sao tiền điện tháng này nhà tôi cao hơn tháng trước? Tại sao các công tơ phụ cộng lại không khớp với công tơ tổng?”,… mỗi lần như vậy, bác lại phải về báo lại với chi nhánh để cử người xuống kiểm tra và giải đáp.

Nhiều năm trong nghề, bác Hảo cũng không ít lần gặp “tai nạn nghề nghiệp”. Cho đến lúc nghỉ hưu, bác vẫn còn những hóa đơn tồn từ nhiều năm trước không thu được. Có nhà vì hoàn cảnh quá khó khăn nên bác thương tình ứng trước cho mấy tháng liền để Điện lực không cắt điện. Vậy mà sau đó người ta bán nhà rồi chuyển đi đâu mất. Thậm chí, bác cũng từng bị khách hàng… vác dao đuổi vì “đến đòi tiền nhiều lần quá mà người ta không có tiền trả”.

Thời bao cấp đến những năm 90 hẳn sẽ còn đọng lại trong tâm trí người dân Hà Nội nói chung, những người thu ngân tiền điện nói riêng những kỷ niệm thân thương và ngọt ngào của một thời khó khăn

Bác tâm sự: “Đúng là trái đất tròn, mười mấy năm quản lý, thu tiền điện khu vực này rồi đến lúc gần nghỉ hưu thì bác lại chuyển nhà về đây nên gặp toàn người quen”.  Kể cả người khách hàng vác dao năm xưa giờ gặp bác ở chợ vẫn chào hỏi thân tình và cười xuề xòa “May ngày đó gặp bác Hảo dễ tính…”

Theo bác Hảo, thu ngân viên ngày nay có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, đó là chất lượng cuộc sống được nâng lên, trình độ dân trí cao hơn, người tiêu dùng cũng rất “sòng phẳng” – dùng bao nhiêu, trả bấy nhiêu: “Bây giờ, mỗi nhà mấy cái điều hòa, mấy cái bình nóng lạnh, hóa đơn mỗi tháng cũng tiền triệu chứ chả ít…”.

Tôi nói với bác rằng, ngành Điện đang có nhiều đổi mới trong cách thu tiền, nào là thu qua ngân hàng, thu qua bưu điện, rồi thì hóa đơn điện tử, bác cho rằng đó là những điều tất yếu vì cuộc sống ngày một  hiện đại thì chất lượng dịch vụ kèm theo phải ngày càng tốt hơn, đa dạng hơn, tiện lợi hơn cho khách hàng.

Trong niềm vui đổi mới của ngành Điện nói chung và dịch vụ chăm sóc khách hàng nói riêng, bác Hảo chia sẻ: Dù nghỉ hưu gần chục năm nhưng bác vẫn thường xuyên theo dõi báo đài, đây đó vẫn có những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”, làm xấu đi hình ảnh những người thu ngân viên ngành Điện tận tụy. Nên, làm nghề thu ngân cần nhất là tính trung thực, công – tư phân minh. Dù bất cứ lý do nào, thiếu thốn đến đâu, cũng không dùng tiền của công thì mới gắn bó lâu dài với nghề được: “Mình thu tiền của dân thì mình là đại diện cho Ngành, đừng để những toan tính cá nhân làm ảnh hưởng đến một tập thể lớn như vậy!” Âu đó cũng là tâm sự, mong cho hình ảnh ngành Điện ngày càng tốt hơn trong năm 2014 của một lão thành từng gắn bó nhiều năm với “nghề làm dâu trăm họ”.


  • 03/02/2014 11:01
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 4743


Gửi nhận xét