Đảm bảo vận hành an toàn đường dây tải điện khu vực miền Trung-Tây Nguyên

Là đơn vị quản lý lưới điện truyền tải khu vực bắc miền Trung và Tây Nguyên, địa hình rất phức tạp, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT), Công ty Truyền tải điện 2 đang chỉ đạo các đơn vị tập trung hoàn thành việc bảo dưỡng, sửa chữa đường dây và trạm biến áp (TBA) trong phạm vi quản lý để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, hiệu quả trong mùa mưa bão năm nay.

Công ty Truyền tải điện 2 được giao quản lý vận hành lưới điện từ cấp điện áp 220kV đến 500kV, với tổng chiều dài gần 1.900km, trải dài từ đèo Ngang đến TBA 500kV Pleiku đi qua 8 tỉnh thành thuộc miền Trung và Tây Nguyên, trong đó có một số đoạn  đi qua địa hình đặc biệt phức tạp như đèo Ngang, Phước Tượng, Phú Gia, Hải Vân, Lò Xo, Vi-ô-lắc, Măng Đen... Các cung đoạn này gây rất nhiều khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý những sự cố, bất thường trong công tác quản lý vận hành. Ngoài ra, Công ty còn quản lý 10 trạm biến áp (TBA) từ 110-220-500kV với tổng công suất  1.505 MW. Công ty cũng đang chuẩn bị tiếp nhận vận hành 3 TBA 220kV là Quảng Ngãi, Dung Quất, Quảng Trị và TBA 500kV Thạnh Mỹ. Đặc điểm của thời tiết khu vực miền Trung và Tây Nguyên là mùa mưa kéo dài và hay xảy ra  giông sét với tần suất dày đặc  hơn, cường độ mạnh hơn nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác vận hành lưới điện truyền tải trong khu vực.

Để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, đặc biệt là trong mùa mưa bão năm nay, ngay trong tháng 6, các đơn vị trong Công ty đã hoàn thành tổng kiểm tra lưới điện và thí nghiệm định kỳ các thiết bị tại các TBA. Ngoài việc hoàn thành thay tụ bù nâng công suất lên 2000A cho đường dây 500kV Đà Nẵng-Hà Tĩnh, Công ty tiếp tục triển khai các dự án sửa chữa lớn như lắp đặt kháng 500kV trên lưới 500kV; quản lý trạm 220kV Ngũ Hành Sơn và đường dây 220kV Đà Nẵng-Quận 3; TBA 220kV Kon Tum và đoạn nhánh rẽ…

Công nhân Công ty truyền tải điện 2 thực hiện bảo dưỡng MBA 500 kV   (Ảnh: Quang Thắng)

Đối với các đội đường dây, không chỉ thường xuyên kiểm tra định kỳ hàng tháng, hàng quý, đột xuất và kiểm tra ban đêm theo quy định, nhằm phát hiện những bất thường của các thiết bị và công trình trên lưới điện mà còn tăng cường phát cây, xử lý hành lang tuyến. Đặc biệt là các cây trong và gần hành lang tuyến  có khả năng phát triển mạnh,làm ngã, đổ vào đường dây gây sự cố trong mùa mưa bão. Đồng thời kiểm tra sửa chữa các vị trí kè móng cột và đường vào tuyến nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất và thuận tiện trong công tác xử lý khi có sự cố bất thường xảy ra. Do thời tiết khí hậu tại các khu vực quản lý khác nhau nên các đội chủ động triển khai đắp đất chân móng, chân kè, nạo vét mương thoát nước, xử lý tiếp địa bị đứt hoặc xói lở theo đúng Quy trình Phòng chống lụt bão của Công ty đã ban hành. Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng và các phương tiện giao thông đảm bảo hoạt động tốt trong mùa mưa bão.

Ông Lê Cam - Đội trưởng Đội Truyền tải điện Đà Nẵng, đơn vị quản lý vận hành vất vả nhất trong 16 đội đường dây của Công ty cho biết, chỉ với 42 cán bộ công nhân, nhưng Đội đã quản lý 9 đường dây từ 110-500 kV với tổng  chiều dài 297,2 km từ khu vực Đà Nẵng (đỉnh đèo Hải Vân, giáp Huế) đến Duy Xuyên (Quảng Nam); trong đó tuyến Hải Vân được đánh giá là quản lý vận hành khó khăn nhất.

Không chỉ thế, ông Cam lo lắng trong khu vực đường dây 220kV Đà Nẵng-Hòa Khánh, Thạnh Mỹ-Hòa Khánh đang xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản, đất đá ở khu vực xã Hòa Sơn xâm phạm một số hành lang tuyến đường dây, dễ gây xói mòn móng và trụ cột khi xảy ra mưa bão. Trong khi chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý thì Đội vẫn phải chủ động giao cho công nhân kiểm tra thường xuyên những khu vực này để tránh đổ cột, gây ảnh hưởng đến công tác vận hành.

Đội truyền tải điện Phú Lộc thuộc Truyền tải Điện Thừa Thiên Huế, tuy chỉ quản lý 63km đường dây 500kV và 32km đường dây 220kV nhưng đây lại là khu vực đi qua nhiều địa hình phức tạp với 4 đèo: Hải Vân, Phú Gia, Phước Tượng và Mũi Né. Đội trưởng Trần Ngọc Tâm cho biết, từ đường ô tô, mỗi lần tiếp cận với vị trí cột, công nhân phải đi bộ từ 1-2h, vào mùa mưa bão đường đi khó khăn hơn phải đến 3-4h. Đây cũng là khu vực vào mùa mưa bão trong các năm 2007, 2008, 2011 thường xuyên xảy ra sự cố đường dây. Hiện nay, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị sẵn sàng ứng phó khi có sự cố; đồng thời phối hợp với các đơn vị phòng chống lụt bão của địa phương đảm bảo phòng chống hiệu quả khi có thiên tai xảy ra.

Tại các TBA, các đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra thiết bị nhằm phát hiện và xử lý kịp thời hiện tượng bất thường, sự cố; đồng thời giám sát thí nghiệm định kỳ các thiết bị; kết hợp cắt điện để tổ chức vệ sinh bảo dưỡng thiết bị và xử lý các tồn tại sau thí nghiệm. Đối với tủ bảng ngoài trời, trước ngày 30/9 sẽ hoàn thành vệ sinh và xiết chặt các đầu nối ở hàng kẹp, xử lý các roăng làm kín các tủ bảng, có biện pháp chống ẩm thiết bị, nạo vét kênh mương thoát nước và vét các hố ga trong và xung quanh trạm.     

Với việc triển khai nhiều giải pháp như kiểm tra, đo trị số hệ thống tiếp địa đường dây và bổ sung ngay đối với những vị trí không đạt theo quy phạm; xử lý tiếp xúc đường dẫn tiếp địa cột; vệ sinh định kỳ chuỗi cách điện; căng lại dây chống sét tại những khoảng néo không đạt theo thiết kế; phát dọn hành lang tuyến; xử lý triệt để những tồn tại trong công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất… Công ty đã hạn chế được một phần sự cố trên các tuyến đường dây. Hiện Công ty Truyền tải điện 2 đang trình NPT phương án lắp đặt chống sét van đường dây để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn trong mùa mưa bão.


  • 05/09/2012 04:39
  • Mai Phương
  • 4331


Gửi nhận xét