Thông tin được ngành điện đưa ra tại tọa đàm "Điều chỉnh phụ tải, thực trạng và giải pháp nhằm giảm nguy cơ quá tải lưới điện" do tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp Tổng công ty Điện lực TP.HCM tổ chức ngày 24-4.
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 3 tháng đầu năm 2024, nhiều ngành kinh tế đã phục hồi tích cực, thời tiết nắng nóng đến sớm và kéo dài nên nhu cầu dùng điện tăng cao.
Sản lượng điện thương phẩm 3 tháng đầu năm đạt 62,52 tỉ kWh, tăng 13,85% so với cùng kỳ năm 2023.
Thống kê của EVN cho thấy trong 3 tháng đầu năm, sản lượng điện thương phẩm cả nước đã tăng khoảng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ngành nông nghiệp tăng hơn 16%, nhóm khách sạn, nhà hàng, thương mại tăng gần 19%, điện sinh hoạt cũng tăng trên 18%.
Riêng khu vực phía Nam, tăng trưởng điện thương phẩm ở TP.HCM đạt hơn 15% và 21 tỉnh còn lại tăng trưởng trên 19%.
Các doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất, giảm dùng điện vào giờ cao điểm sẽ giúp tiết kiệm đến 15% tiền điện - Ảnh: NGỌC HIỂN
|
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN - cho rằng trong bối cảnh tình hình thủy văn không thuận lợi, giá nhiên liệu như than, khí tăng cao nhưng việc cung ứng điện 3 tháng đầu năm đã đảm bảo.
Tuy nhiên, do tình trạng nắng nóng dự báo kéo dài, việc vận hành hệ thống điện sẽ có nhiều khó khăn trong các tháng cao điểm nắng nóng (4, 5, 6, 7).
Một trong những giải pháp để giảm tiêu thụ điện vào giờ cao điểm đang được ngành điện áp dụng mùa nắng nóng là điều chỉnh phụ tải điện (DR).
Đây là chương trình quản lý nhu cầu điện nhằm khuyến khích khách hàng giảm nhu cầu dùng điện vào lúc cao điểm, dịch chuyển sang giờ thấp điểm, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống và giảm tình trạng lưới điện bị quá tải.
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết đây là giải pháp nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo việc cung ứng điện ổn định và hạn chế các sự cố trên hệ thống điện.
Với chương trình này, khách hàng được hưởng các ưu đãi như nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đưa vào danh sách khách hàng ưu tiên cấp điện, rút ngắn thời gian xử lý sự cố lưới điện, hỗ trợ tối đa các yêu cầu phát sinh trong quá trình dùng điện, tư vấn miễn phí về dùng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả…
"Khi doanh nghiệp tham gia điều chỉnh phụ tải điện sẽ giảm chi phí dùng điện do giảm nhu cầu dùng điện vào giờ cao điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm chi phí tiền điện, giảm giá thành sản xuất sản phẩm và dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh", ông Kiên nói.
Theo thống kê sơ bộ của ngành điện, một số doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện đã tiết giảm được 25 - 30% tổng công suất tiêu thụ điện, từ đó tiết kiệm được gần 15% tiền điện.
Tuyệt đối không để đứt gãy nguồn cung năng lượng do chủ quan
Theo Bộ Công Thương, quý 1-2024, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi mạnh dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao. Một số tỉnh, thành phố có điện cấp cho công nghiệp tăng cao như tỉnh Quảng Ninh (tăng khoảng 44,65%), Tây Ninh (tăng khoảng 27,09%), Bình Định (tăng khoảng 24,28%)... Điện cấp cho kinh doanh dịch vụ cũng có mức tăng trưởng cao ở một số địa phương như: Khánh Hòa (38,87%), Quảng Nam (33,11%), Đà Nẵng (28,5%), Kiên Giang (23,89%)…
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch cung cấp điện, cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu) chủ động, có dự phòng ứng phó với các tình huống cực đoan có thể xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung năng lượng do nguyên nhân chủ quan.
|
Link gốc