EVN tập trung thoái vốn khỏi ngân hàng, bất động sản

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang khẩn trương thoái vốn đầu tư khỏi các lĩnh vực ngoài ngành, trong đó có bất động sản và ngân hàng.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, EVN đang tập trung thực hiện các phương án thoái vốn tại Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn Vina, Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực, Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực miền Trung…

EVN và các đơn vị thành viên cũng đã khẩn trương triển khai phương án tái cơ cấu tập đoàn giai đoạn 2012-2015 theo quyết định của Thủ tướng.

Trước đó, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo điều lệ hoạt động của EVN, trong đó yêu cầu tập đoàn phải có nghĩa vụ trong việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại EVN và vốn tự huy động.
 

Trường hợp chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính có giá trị trên 10 tỷ đồng ở các doanh nghiệp có lãi thì TĐ, TCT phải thực hiện đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán - Ảnh: H.Hiếu

Dự thảo điều lệ yêu cầu EVN phải thoái vốn hoàn toàn khỏi các lĩnh vực đầu tư bất động sản, ngân hàng sau khi tập đoàn đã không có được thành công trong các lĩnh vực này. Bộ Công Thương cũng cho biết, vốn điều lệ của EVN tính đến cuối năm 2012 là 143.404 tỷ đồng.

Mặt khác, vào cuối tháng 6/2013, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) vừa có hướng dẫn thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Theo đó, với các khoản đầu tư ngoài ngành tại công ty cổ phần chưa niêm yết, các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) chủ động lựa chọn phương thức đấu giá hoặc thỏa thuận trực tiếp để chuyển nhượng trên nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo toàn vốn nhà nước và không thấp hơn giá thị trường.

Đối với các khoản đầu tư ngoài ngành thuộc các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư, nếu đã thực hiện các biện pháp trên mà thoái vốn không thành công thì giao cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua lại sau khi đã trừ khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư theo quy định.
 

Ngày 9/7/2012, Nghị quyết 26 của Chính phủ được ban hành đã nêu rõ, đến năm 2015, các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn và tài sản của Nhà nước.

Theo đó, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có đề án thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính (bao gồm cả các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.

Đối với lĩnh vực đầu tư có khả năng mất vốn thì khẩn trương lập phương án thoái vốn phù hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét từng trường hợp cụ thể.

Đối với các lĩnh vực đầu tư có hiệu quả hoặc gặp khó khăn tạm thời thì xem xét, tạo điều kiện để phát triển và tính toán thời điểm thoái vốn sao cho có hiệu quả nhất, theo đúng quy định của pháp luật.

 


  • 09/07/2013 01:57
  • Theo Đất Việt
  • 3345


Tin liên quan


Gửi nhận xét