Hơn 1.500 cán bộ nhân viên EVNSPC được đào tạo về mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) vừa phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và Đào tạo (ERAVCTED) thuộc Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) tổ chức các lớp đào tạo về triển khai thực hiện mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Tham dự khóa học, về phía EVNSPC có các Thành viên Hội đồng thành viên; Ban Tổng giám đốc; Văn phòng, các Ban chuyên môn của Tổng công ty; các đơn vị thành viên của EVNSPC.

Về phía ERAVCTED có bà Nguyễn Phương Yến -  Phó Giám đốc Trung tâm, bà Phan Thị Thu Thủy - Phó Trưởng phòng Thị trường điện.

Khóa học được tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến, kết nối qua zoom và hội nghị truyền hình đến 202 Điện lực, với sự tham dự của hơn 1.500 CBCNV Tổng công ty.

Phát biểu khai mạc khóa đào tạo, Phó Tổng giám đốc EVNSPC Bùi Quốc Hoan cho biết, Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03/7/2024 của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA), là bước đi có tính đột phá trong lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam khi chuyển đổi từ cơ chế mua bán điện truyền thống sang cơ chế DPPA. EVN nói chung và EVNSPC nói riêng cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các đối tác và khách hàng, hỗ trợ tối đa để cùng nhau vượt qua những thách thức, nắm bắt cơ hội khi triển khai cơ chế DPPA. EVNSPC nhận thức việc nắm bắt và triển khai Nghị định số 80/2024/NĐ-CP là nhiệm vụ quan trọng, góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định và bền vững, thực hiện cam kết trong việc giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.

Ông Bùi Quốc Hoan - Phó Tổng giám đốc EVNSPC phát biểu khai mạc lớp đào tạo

Ngay sau khi Nghị định được ban hành, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Văn bản số 5029/BCT-ĐTĐL ngày 16/7/2024 và của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Văn bản số 4109/EVN-TTĐ+KD ngày 23/7/2024, EVNSPC đã khẩn trương tổ chức các công việc triển khai Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, thông báo đến toàn bộ Khách hàng sử dụng điện lớn và Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm đủ điều kiện tham gia cơ chế DPPA để nắm bắt được chủ trương của Chính phủ cũng như quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia cơ chế DPPA. Đồng thời yêu cầu các các ban, đơn vị tích cực nghiên cứu kỹ các nội dung về cơ chế DPPA, phối hợp và trao đổi chặt chẽ, chủ động triển khai các nhiệm vụ theo phân công, đẩy mạnh công tác tuyên truyền triển khai Nghị định; kịp thời phản ánh những tồn tại, hạn chế trong triển khai Nghị định nhằm thực hiện hiệu quả cơ chế DPPA.

Trong 3 ngày đào tạo (từ 21-23/10/2024), dưới sự hướng dẫn của các giảng viên - những người trực tiếp tham gia soạn thảo Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, cùng với kinh nghiệm thực tế, các học viên tham dự thu nhận được những kiến thức quý báu, giúp EVNSPC và các đơn vị chuẩn bị tốt hơn cho các bước triển khai DPPA trong thời gian tới. Việc tổ chức lớp đào tạo về triển khai thực hiện DPPA sẽ giúp cho lãnh đạo Tổng công ty, các ban, đơn vị tiếp cận kỹ hơn với những nội dung quan trọng của Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, qua đó hiểu rõ hơn về các quy định, thủ tục và những cơ hội cũng như thách thức mà cơ chế DPPA mang lại, nắm bắt vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị trong DPPA, đặc biệt là nhiệm vụ của các Tổng công ty Điện lực trong thực hiện cơ chế DPPA.

Giảng viên truyền đạt các nội dung tại lớp đào tạo

Tham gia lớp đào tạo, các học viên đã được bà Phan Thị Thu Thủy - Phó Trưởng phòng Thị trường điện ERAVCTED truyền đạt chuyên đề: Triển khai Cơ chế DPPA với các quy định chung của DPPA; mô hình mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng; mô hình mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia; trình tự thực hiện và trách nhiệm của các đơn vị… Qua đó, các học viên nắm được bức tranh tổng thể, đầy đủ thông tin, phân tích được lợi ích, thách thức, các điểm lưu ý trong cơ chế DPPA...

Trong quá trình diễn ra khóa học, lãnh đạo EVNSPC và các ban chuyên môn đã trao đổi, thảo luận cởi mở với giảng viên xung quanh các nội dung liên quan đến khung pháp lý, khung giá điện; vấn đề lưu trữ năng lượng; những lợi ích, thách thức khi thực hiện cơ chế DPPA.

Cơ chế DPPA sẽ đáp ứng mục tiêu và xu hướng sử dụng năng lượng sạch, qua đó góp phần thu hút đầu tư không chỉ trong ngành năng lượng tái tạo mà còn cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhu cầu tiêu thụ điện lớn. Đồng thời, cơ chế DPPA cũng góp phần không nhỏ trong việc hướng đến triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam, nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước và mức độ cạnh tranh trong hoạt động mua bán điện nói chung và thị trường điện nói riêng.

Nghị định số 80/2024/NĐ-CP gồm 5 Chương, 30 Điều và 5 Phụ lục, biểu mẫu kèm theo, quy định mua bán điện trực tiếp là hoạt động mua bán giao nhận điện năng được thực hiện thông qua 02 hình thức như sau:

1. Mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng là hoạt động ký hợp đồng mua bán điện và giao nhận điện năng qua Đường dây kết nối riêng giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn theo quy định tại Chương II Nghị định.

2. Mua bán điện trực tiếp qua Lưới điện quốc gia là hoạt động mua bán điện thông qua Hợp đồng kỳ hạn giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn (hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền) và hoạt động mua bán điện thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định.

Ngoài ra, Nghị định số 80/2024/NĐ-CP cũng quy định trách nhiệm của đơn vị phát điện năng lượng tái tạo; phương thức thanh toán của đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán điện trên thị trường điện giao ngay; hợp đồng mua bán điện giữa khách hàng sử dụng điện lớn với Tổng công ty Điện lực,…


  • 25/10/2024 04:58
  • Hồng Hoa - Đức Tuân
  • 4387