Huyện Đông Giang (Quảng Nam): Thôn cuối cùng có điện

Thôn A Duông 2 chỉ cách trung tâm thị trấn Thị trấn Prao huyện Đông Giang Quảng Nam có 5 km, nhưng hàng chục năm qua vẫn “trắng điện”, trong khi toàn Huyện đã có đến 99% số hộ dân có điện. Dự án cấp điện cho thôn A Duông - thôn cuối cùng của Huyện Đông Giang đã hoàn thành đem đến niền vui mừng khôn xiết đối với bà con trong thôn.

Thị trấn Prao là địa phương đầu tiên của huyện Hiên (cũ) đã được cung ứng điện từ hơn 20 năm trước. Hồi ấy, do nguồn điện thiếu hụt, lại không đủ vốn đưa điện lưới từ dưới xuôi lên. Bằng mọi cách, Huyện đã xây dựng Nhà máy Thủy điện nhỏ Ca-Đắp cấp điện cho trung tâm hành chính huyện và dành một ít dùng cho sinh hoạt dân cư thị trấn Prao.

Đến năm 2003, huyện Hiên được chia thành hai huyện Đông Giang và Tây Giang thì Prao là thị trấn huyện lỵ Đông Giang được quan tâm kéo điện lưới quốc gia về 16/17 thôn của thị trấn. Hồi ấy, gần như các hộ dân của thị trấn có điện, chỉ trừ 26 hộ ở thôn A Duông 2 vẫn chưa có điện đến bây giờ. Đây cũng là thôn duy nhất còn lại trong số 95 thôn của huyện Đông Giang chưa có điện.

Trả lời câu hỏi vì sao thôn A Duông 2 chỉ cách trung tâm thị trấn có 5 km mà lại “trắng điện”, trong khi toàn Huyện đã có đến 99% số hộ dân có điện? Ông Trương Tiến Dũng, Giám đốc Điện lực Đông Giang cho biết, do nhiều nguyên nhân, trong đó do dân cư của thôn này quá ít, lại sinh sống phân tán nên suất đầu tư đến hơn 100 triệu đồng/hộ. Vì vậy, cả địa phương và ngành Điện cũng không thể tìm đâu ra được nguồn vốn đầu tư lớn mà chỉ để cấp điện cho hơn vài chục hộ gia đình, nên hơn 20 năm nay, người dân của thôn - dù là dân thị trấn - cũng đành phải chịu “khát điện”. Ông A Ting Ký, Trưởng thôn A Duông 2 tâm sự: “Ban đêm, chúng tôi đứng trên đồi cao phía sau nhà nhìn qua trung tâm Thị trấn thấy điện sáng trưng cả một vùng trời mà lòng ao ước, thèm được có cái điện để thay đổi tập quán sản xuất, xem ti vi, nắm bắt thông tin và cho con trẻ học hành”.

Nhà cửa của người dân ở thôn A Duông 2 phần lớn dựng bằng gỗ, lợp tôn, vách nứa, hầu hết đều tựa lưng về phía ngọn đồi sau nhà, mặt trước quay ra con sông lớn. Đường vào thôn khá trở ngại, lại bị ngăn cách bởi một con sông sâu, với độc nhất một chiếc cầu khỉ ọp ẹp, xiêu vẹo. Có thể nói, người dân nơi đây bị cái nghèo đeo bám dai dẳng nên ai cũng mong có được cái điện để cải thiện đời sống chứ không riêng gì ông A Ting Ký mong ước.  

Nhà ông A Ting Ký đã sắm được ti vi, đầu đĩa khi có điện về

Như thấu hiểu với nổi khổ của người dân A Duông 2, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã đầu tư 2,5 tỷ đồng theo cơ chế đầu tư như Tây Nguyên, xây dựng công trình lưới điện trung, hạ áp cấp điện lưới quốc gia cho 26 hộ dân trong thôn. Công trình do UBND huyện Đông Giang làm chủ đầu tư, đã hoàn thành nghiệm thu và đóng điện đưa vào sử dụng vào dịp 2/9. Công trình gồm 1000m đường dây trung áp, 200m đường dây hạ áp và 1 trạm biến áp phụ tải dung lượng 30 kVA - 22/0,4kV. Việc đưa công trình lưới điện vào vận hành đã nâng số hộ có điện lưới quốc gia trong toàn huyện Đông Giang lên 99,15%. Riêng với thị trấn Prao đã có 100% số hộ có điện.

Mặc dù khối lượng công trình không lớn, nhưng việc thi công phải kéo dài, tiến độ chậm là do mùa này thường có mưa lớn, giông sét vào buổi chiều, nước sông dâng cao, đường sá lầy lội rất khó vận chuyển trụ điện, vật liệu thi công và các thiết bị điện lên các sườn đồi. Toàn bộ công việc đều làm thủ công, không có bất kỳ sự hỗ trợ của các phương tiện cơ giới nào, bởi không có cầu và đường giao thông cho xe cơ giới đi lại. Thế nhưng, anh em công nhân đã đưa điện đến với dân là một nỗ lực lớn.

Sau khi nghiệm thu đóng điện vào ngày 25/8, các hộ dân đã cùng với Điện lực Đông Giang tiến hành ký kết hợp đồng mua bán điện. Tối 2/9 này, toàn bộ các hộ trong thôn đã bật điện sáng trưng để ăn mừng kỷ niệm 67 năm ngày Quốc khánh và ăn mừng ngày đầu tiên có điện.

Không giấu được niềm vui, ông A Ting Ký thổ lộ: “Có điện, con em trong thôn không còn phải vật lộn với cái chữ dưới ngọn đèn dầu leo lắt. Máy xay xát sẽ về đến tận đầu làng thay cho tiếng chày mệt mỏi lúc đêm khuya, chắc chắn các hủ tục lạc hậu sẽ được xoá bỏ dần, đời sống của đồng bào sẽ được nâng lên về mọi mặt”.

Ông Lê Văn Phục, công nhân Điện lực Đông Giang, người trực tiếp giúp các hộ dân làm hợp đồng mua bán điện, cho biết: “Thấy người dân nào cũng vui vẻ, hớn hở, nên anh em công nhân cũng vui lây. Có lẽ do ao ước có điện quá lâu nên từ khi mới triển khai công trình, nhiều hộ dân trong thôn đã để dành tiền, rồi lục tục kéo xuống thị trấn mua sắm dây điện, cầu dao, bóng đèn và cả những vật dụng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày như nồi cơm điện, tivi, đầu đĩa, có người còn sắm cả dàn máy karaoke để chờ khi đóng điện là... hát ăn mừng”.

 


  • 18/09/2012 04:59
  • Lê Đức Tùng
  • 4463


Gửi nhận xét