Thứ trưởng Bộ Kinh tế Indonesia Luky Eko Wuryanto cho biết, đây là một trong những dự án trọng điểm được thực hiện theo hình thức hợp tác công - tư, trong khuôn khổ “Kế hoạch tổng thể tăng tốc và mở rộng phát triển kinh tế dài hạn” của Chính phủ Indonesia, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án cơ sở hạ tầng tối cần thiết cho sự phát triển của đất nước.
Nhà máy nhiệt điện có tên gọi PLTU, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, do Tập đoàn Điện lực PT Bhimasena của Indonesia làm chủ đầu tư, với sự tham gia góp vốn của Công ty Phát triển Điện lực J - Power Electric Power Development Co. Ltd thuộc Tập đoàn Năng lượng Itochi Corporation của Nhật Bản và Công ty Khai mỏ Indonesia Adarro Energy.
Dự kiến, sau khi hoàn tất vào năm 2016, PLTU sẽ hoạt động như một nhà sản xuất điện độc lập, bán điện cho Công ty Điện lực quốc gia Indonesia. PLTU sẽ sử dụng hệ thống xử lý than siêu hạng (USC), thân thiện môi trường, đạt hiệu quả kinh tế cao và đặc biệt là chỉ cần 50% lượng than so với các nhà máy điện thông thường hiện nay để tạo ra cùng một sản lượng điện.
Thông qua hỗ trợ của chính phủ, Tập đoàn PT Bhimasena đến nay đã giải phóng được 186 ha trong tổng số 226 ha mặt bằng cần thiết để xây nhà máy điện.
Thứ trưởng Wuryanto nhấn mạnh, việc xây dựng các nhà máy điện theo hình thức hợp tác công - tư là rất cần thiết để mở rộng cơ sở hạ tầng, đảm bảo cung cấp điện cho các ngành công nghiệp trong nước. Theo tính toán, Indonesia cần ít nhất 4.000 MW điện bổ sung mỗi năm để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 6% trong những năm tới.