Lan tỏa sâu rộng thực hành 6 quy tắc đạo đức doanh nhân

Cần tăng cường lan tỏa, thúc đẩy thực hành 6 quy tắc đạo đức doanh nhân trong xây dựng văn hóa kinh doanh, bởi xây dựng văn hóa nhất thiết phải bắt đầu từ xây dựng con người, trong đó đạo đức là gốc rễ, là nền tảng.

Sự cần thiết có bộ quy tắc đạo đức doanh nhân

Nhiều quốc gia trên thế giới trong quá trình phát triển đã tạo dựng thành công nền văn hóa kinh doanh trở thành “sức mạnh mềm”, qua đó đã góp phần phát triển bền vững, giúp các doanh nghiệp của họ chiếm được lợi thế cạnh tranh trên thị trường kinh doanh quốc tế.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, Việt Nam chúng ta vẫn đang thiếu những yếu tố và điều kiện cần thiết để phát triển một nền văn hóa kinh doanh tiên tiến. Trong xã hội, bên cạnh đại đa số doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, vẫn có một số doanh nhân, doanh nghiệp kinh doanh phi văn hóa, một số nhà kinh doanh đã bất chấp đạo lý, kỷ cương, vi phạm pháp luật để kinh doanh đạt mục tiêu lợi nhuận, phủ nhận những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc.

Điều này cho thấy, việc khơi dậy, phát huy văn hóa kinh doanh vẫn chưa được quan tâm tương xứng, văn hóa kinh doanh chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh quan trọng để phát triển bền vững.

Để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, cần huy động và phát huy mọi nguồn lực bên trong lẫn bên ngoài, trong đó xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trở thành một nguồn lực nội sinh quan trọng, vừa có ý nghĩa quốc gia, vừa có ý nghĩa với doanh nghiệp, vừa là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài trong xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Để xây dựng văn hóa kinh doanh, nhất thiết phải bắt đầu từ xây dựng con người, trong đó đạo đức là gốc rễ, là nền tảng và khát vọng phát triển là đích đến. Doanh nhân có vai trò quyết định xây dựng và định hình văn hóa kinh doanh của một doanh nghiệp, cho nên đạo đức của doanh nhân có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành đạo đức kinh doanh, triết lý kinh doanh của doanh nghiệp.

Ban hành các quy tắc về đạo đức doanh nhân và thúc đẩy thực hành sẽ là yếu tố tiên quyết để thống nhất đội ngũ doanh nhân tạo ra những giá trị phổ quát nhất, tạo tiền đề xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, có văn hóa kinh doanh tiến bộ, trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để quản trị doanh nghiệp hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu.

Với vai trò là một tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã xác định xây dựng văn hóa kinh doanh trở thành nền tảng phát triển bền vững, đem lại giá trị cho doanh nghiệp, doanh nhân, cho xã hội, thúc đẩy xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam văn minh, hội nhập và ngang tầm với thế giới.

Để xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam tiên tiến, năm 2022, VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam: tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Mục đích ban hành và thúc đẩy thực hành 6 quy tắc đạo đức doanh nhân là nhằm nâng cao nhận thức của doanh nhân về đạo đức, lấy đạo đức làm cốt lõi trong xây dựng văn hóa kinh doanh, phát triển bền vững. Góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần dân tộc, có văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội cao. Củng cố niềm tin xã hội đối với doanh nhân, doanh nghiệp.

Trong đó, hai quy tắc đầu là những nguyên tắc đạo đức và cũng là nghĩa vụ cơ bản của doanh nhân đảm bảo cho tính chính danh và sự tồn tại của doanh nghiệp. Hai quy tắc tiếp theo là những chuẩn mực trong kinh doanh và tương tác với các đối tác. Hai quy tắc cuối là những phẩm chất cần có trong ứng xử với thiên nhiên, môi trường, với đất nước, xã hội và gia đình.

Nội hàm cụ thể 6 quy tắc đạo đức doanh nhân

Quy tắc 1 - Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội

Đây là yêu cầu cơ bản, hàng đầu đối với một doanh nhân, là lý do khởi sự và duy trì hoạt động kinh doanh. Doanh nhân phải tư duy và hành động để tạo ra các giá trị kinh tế đích thực cho xã hội, làm ra những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tốt, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chính đáng của xã hội. Doanh nhân tuyệt đối không được làm ra hay cung cấp các sản phẩm, dịch vụ gây hại cho người tiêu dùng và xã hội. Doanh nhân phải góp phần vào phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao phúc lợi cho xã hội, đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Quy tắc 2 - Tuân thủ pháp luật

Đây là phẩm chất phải có trong ý thức và hành động của doanh nhân. Tuân thủ pháp luật bao gồm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước, không buôn lậu, làm hàng giả, không tham ô, hối lộ, không thực hiện các hành vi kinh doanh phi đạo đức, không vi phạm các quy định pháp luật về kinh doanh và pháp luật có liên quan khác. Thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng pháp luật của Việt Nam, của quốc gia nơi mình có hoạt động đầu tư, kinh doanh, cũng như tuân thủ các quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia (nếu có).

Quy tắc 3 - Minh bạch, công bằng, liêm chính

Đây là những phẩm chất, yêu cầu mang tính phổ quát đối với doanh nhân tại các quốc gia phát triển. Để phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và hướng đến mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, doanh nhân Việt Nam cũng cần có những phẩm chất này. Cần có tư duy, nhận thức và thực hành quản trị doanh nghiệp minh bạch; quan tâm, đối xử công bằng với người lao động, khách hàng, đối tác, nhà đầu tư; trung thực, chính trực trong hành vi, giữ chữ tín, thực hiện đúng cam kết; không quảng cáo sai sự thật, lừa dối khách hàng và các đối tác có liên quan.

Quy tắc 4 - Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển

Người Việt Nam có ý chí kinh doanh, có tinh thần đoàn kết dân tộc cao, tuy nhiên tinh thần hợp tác trong kinh doanh thì lại chưa cao. Do đó, đây là phẩm chất doanh nhân cần rèn luyện để cộng đồng doanh nhân Việt Nam liên kết phát triển vững mạnh, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh quốc tế. Trong thời đại kinh tế số và toàn cầu hóa, doanh nhân cần có tư duy liên tục học hỏi, sáng tạo, hợp tác cùng phát triển, cùng thắng (win - win), cạnh tranh lành mạnh, tránh tư tưởng triệt hạ lẫn nhau; xây dựng và duy trì các mối quan hệ hợp tác lâu dài với các đối tác, tham gia các mạng lưới liên kết, hiệp hội, ngành/vùng để cùng nhau phát triển.

Quy tắc 5 - Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường

Đây là yêu cầu đặt ra cho doanh nhân trong thời đại mới, phát triển bền vững, khi mà biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề toàn cầu và thách thức nghiêm trọng đối với Việt Nam. Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh đã hoặc có thể sẽ gây hại đến thiên nhiên, môi trường, tác động xấu đến con người, doanh nhân cần có ý thức kiểm soát, giám sát các hoạt động của doanh nghiệp mình tránh tác động xấu đến môi trường, thực hiện bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, nâng cao nhận thức cho nhân viên, cộng đồng về vấn đề này.

Quy tắc 6 - Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình

Yêu nước là một phẩm chất sẵn có trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam, trong đó có doanh nhân. Doanh nhân cần nêu cao và phát huy phẩm chất yêu nước thông qua việc thể hiện ý chí tự cường, tự tôn dân tộc, bảo vệ lợi ích của đất nước trong kinh doanh, không gây hại đến lợi ích, hình ảnh quốc gia. Doanh nhân yêu nước phải có trách nhiệm với xã hội, phải biết gắn lợi ích kinh doanh của bản thân với lợi ích của cộng đồng, xã hội, nâng cao ý thức thực thi trách nhiệm xã hội.

Truyền thống gia đình cũng là nét đẹp của văn hóa Việt Nam, doanh nhân phải có trách nhiệm với gia đình, đặc biệt chăm lo, giáo dục con cái thành những công dân tốt, hữu ích cho đất nước, nếu có thể thì thành thế hệ kế thừa, phát huy và phát triển thành tựu của các thế hệ doanh nhân đi trước.

Lan tỏa thực hành

Để lan tỏa thực hành sâu, rộng 6 quy tắc đạo đức doanh nhân trong giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, cần đa dạng hóa và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, các kênh truyền thông khác, tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho doanh nhân, doanh nghiệp.

Trên cơ sở 6 quy tắc đạo đức doanh nhân nêu trên của VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề thành viên của VCCI cũng có thể xây dựng các quy tắc đạo đức kinh doanh trong từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, ngành nghề sao cho phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện.

Cần lồng ghép các quy tắc đạo đức doanh nhân vào các tiêu chí của những chương trình bình xét, đánh giá, trao tặng các giải thưởng về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp… cũng như các danh hiệu tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp có những thành tích kinh doanh tốt, đóng góp tích cực cho nền kinh tế, xã hội và thực hành tốt đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh.

Link gốc


  • 14/08/2023 03:02
  • Theo https://doanhnhansaigon.vn/
  • 6028