Lo ngại mất an toàn các hồ đập nhỏ do tư nhân quản lý

Hầu hết gần 7.000 hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi lớn nhỏ trong cả nước đều đang vận hành an toàn, phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, số hồ thuỷ lợi quy mô nhỏ, tư nhân quản lý có nhiều vấn đề liên quan tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Thông tin trên được Bộ Xây dựng đưa ra trong Hội nghị trực tuyến về an toàn hồ chứa mới đây, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trên cả nước có gần 7.000 công trình hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi. Trong đó không kể các dự án thuỷ lợi có kết hợp làm nhà máy phát điện, trên cả nước có trên 260 công trình thuỷ điện đã vận hành khai thác và 211 công trình thuỷ điện đang thi công xây dựng, số còn lại là các công trình thuỷ lợi đã đưa vào vận hành hoặc đang thi công xây dựng.

Kết quả kiểm tra các công trình thuỷ điện có công suất lớn hơn 50 MW, công trình thuỷ lợi có chiều cao đập lớn hơn 50 mét đã hoàn thành xây dựng được nghiệm thu đưa vào sử dụng trong thời gian vừa qua hiện đang vận hành an toàn, phát huy hiệu quả tốt, góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước như các công trình thuỷ điện Sơn La, Hoà Bình, Tuyên Quang, Thác Bà, Bản Vẽ, A Vương, Cửa Đạt, Định Bình…

Thủy điện Tuyên Quang do EVN đầu tư xây dựng đang hoạt động an toàn hiệu quả - Ảnh: H.Hiếu

Một số công trình xảy ra sự cố như nứt, thấm qua bê tông thân đập đã được chủ đầu tư và các bên liên quan tập trung xử lý có hiệu quả tốt như thuỷ điện Bản Vẽ, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4,… Cá biệt có công trình chất lượng chưa đảm bảo gây bức xúc trong dư luận thời gian qua như đập thuỷ điện Sông Tranh, sau khi tích nước bị thấm qua các khe nối thân đập với lưu lượng 75 lít/giây, nhưng đến nay đã được xử lý, khắc phục đảm bảo yêu cầu, lưu lượng thậm chí còn 3 lít/giây, nhỏ hơn giới hạn yêu cầu 12 lít/giây.

Những sự cố xảy ra trong quá trình thi công xây dựng hoặc trong giai đoạn vận hành thử thường tập trung ở các công trình có quy mô nhỏ, do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư. Điển hình là thuỷ điện Đăk Rông 3 (Quảng Trị) bị vỡ tường chắn bê tông, thuỷ điện Đăm Bol-Đạ Tẻl (Lâm Đồng) vỡ đường ống áp lực, thuỷ điện Đăk Mêk 3 (Kon Tum) vỡ đập khi thi công, thuỷ điện Ia Krel 2 (Gia Lai) vỡ đập khi bắt đầu tích nước, thuỷ điện Ea Súp 3 (Đăk Lắk) bị vỡ bể áp lực trong quá trình chạy thử.

Theo Bộ Công Thương, đối với các công trình thuỷ điện có công suất nhỏ hơn 50 MW và lớn hơn 30 MW đã đưa vào sử dụng, hiện đang vận hành an toàn, hầu hết các chủ đập đều thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập.

Đối với các công trình thuỷ điện có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 30 MW đã đưa vào sử dụng hiện đang vận hành ổn định. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do một số chủ đập chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập. Cụ thể có 114/166 đập đã đến hoặc quá kỳ kiểm định/kiểm tra tính toán lại dòng chảy lũ, nhưng hiện mới có 45 đập đã thực hiện xong, 35 đập đang thực hiện và còn tới 34 đập chưa thực hiện. Chỉ có 36/166 đập đã có phương án bảo vệ đập được phê duyệt theo quy định, 54/166 đập đang xây dựng hoặc đang trình duyệt và 76/166 đập còn lại chưa xây dựng phương án.

Trong khi đó, Bộ NN&PTNT cho biết, đối với các công trình thuỷ lợi có chiều cao đập từ 15 đến 50 mét và dung tích hồ chứa lớn hơn 10 triệu m3, kết quả kiểm tra, đánh giá cho thấy các đập tương đối ổn định, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Hiện cả nước có 317 hồ bị hư hỏng công trình đầu mối, chủ yếu tập trung vào nhóm hồ chứa nhỏ có dung tích trữ dưới 3 triệu m3 hoặc chiều cao đập nhỏ hơn 15 mét là các đập còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Theo phân tích, đến nay hệ thống văn bản pháp quy, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã cơ bản đầy đủ. Riêng vấn đề điều kiện năng lực các chủ thể tham gia xây dựng công trình thì đối với các dự án thuỷ điện lớn, các nội dung kỹ thuật phức tạp, phần việc liên quan đến các hạng mục quan trọng đều do các tập đoàn, đơn vị chuyên về xây dựng có nhiều kinh nghiệm, năng lực đảm nhận. Công tác quản lý chất lượng thi công được chủ đầu tư và các chủ thể tham gia xây dựng công trình nghiêm túc thực hiện theo các chỉ dẫn kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định về xây dựng.

Tuy nhiên, đối với các dự án nhỏ trong quá trình thực hiện đầu tư, việc thực hiện các quy định trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của một số chủ dự án chưa nghiêm túc, thiếu sự giám sát thường xuyên của các cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường. Một số công trình thuỷ lợi, thuỷ điện nhỏ có chất lượng thiết kế, giám sát quản lý chất lượng vẫn còn hạn chế, nhà thầu thi công thiếu nhân lực và thiết bị, chủ đầu tư các dự án nhỏ chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, thiếu cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm nên quản lý chất lượng chưa chặt chẽ.

Theo đánh giá hiện trạng công trình đầu mối của các hồ chứa thuỷ lợi, cả nước còn 317 hồ bị hư hỏng, trong đó 120 hồ trọng điểm cần quan tâm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ, chủ yếu tập trung các nhóm hồ có dung tích dưới 3 triệu m3. Những sự cố vỡ đập hồ Z20, Khe Mơ, Vàng Anh (Hà Tĩnh), Khe Làng, 271 (Nghệ An), Vưng (Hoà Bình), Bà Râu (Ninh Thuận), chủ yếu có nguyên nhân công trình đầu mối không đủ khả năng chống lũ, đập không đảm bảo kích thước, tràn thiếu khả năng xả; công trình đầu mối đã bị xuống cấp, chưa được sửa chữa, tồn tại khiếm khuyết như thấm qua thân đập, hư hỏng cống, tràn xả lũ, mối xâm hại...

 


  • 08/09/2013 07:45
  • Theo Chinhphu.vn
  • 2877


Gửi nhận xét