Lộ trình điều chỉnh giá bán than cho sản xuất điện: Sẽ có những bước đi phù hợp

Từ năm 2015, mục tiêu đặt ra cho Quy hoạch phát triển ngành Than là bảo đảm phát triển hợp lý theo hướng giảm xuất khẩu và tăng lượng than nhập khẩu. Ðồng thời, sẽ có những bước đi phù hợp trong lộ trình điều chỉnh giá bán than cho sản xuất điện.

Tăng lượng than nhập khẩu

Theo Quy hoạch điện VII đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 Việt Nam  sẽ có khoảng 46 nhà máy nhiệt điện than với lượng than tiêu thụ khoảng 77 triệu tấn/năm, trong đó sử dụng than trong nước là 29 triệu tấn/năm và lượng nhập khẩu lên tới 48 triệu tấn/năm. Đến năm 2030, nhu cầu than cho sản xuất điện sẽ còn tăng gấp đôi.

Dự báo trên cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng giữa sản xuất và tiêu thụ than trong nước, đồng thời việc lệ thuộc một khối lượng lớn than nhập khẩu cũng có khả năng ảnh hưởng đến tình hình an ninh năng lượng quốc gia, nhất là từ năm 2015 trở đi.

Đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 46 nhà máy nhiệt điện than, tiêu thụ khoảng 77 triệu tấn than/năm. (Ảnh minh họa)

Sẽ điều chỉnh giá bán than theo cơ chế thị trường

Để các doanh nghiệp phát triển bền vững, Chính phủ yêu cầu phải khẩn trương đưa hoạt động của ngành Than hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế, có sự điều tiết của Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá bán than cho các hộ sử dụng trong nước theo cơ chế thị trường nhằm khuyến khích sử dụng than hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, tạo điều kiện cho ngành Than ổn định sản xuất, cân đối tài chính, tạo vốn đầu tư phát triển. Riêng than bán cho điện sẽ phải điều chỉnh dần theo lộ trình thích hợp nhằm đảm bảo  mục tiêu: Ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và phát triển doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng,  giá bán 1 tấn than cho sản xuất điện hiện nay, nếu tính theo đơn giá đã được kiểm toán năm 2010, mới chỉ bằng 57 – 63% giá thành sản xuất và bằng 51 - 55% giá thành khai thác 1 tấn than năm 2011. Việc điều chỉnh giá bán than cho sản xuất điện về lâu dài sẽ phải tính toán làm sao đảm bảo ngành Than có lãi để tái đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, nếu tăng giá bán than cho điện theo cơ chế thị trường ngay trong năm 2012 thì mỗi kWh điện sẽ phải tăng khoảng 200 đồng.

Vì vậy, lộ trình điều chỉnh giá bán than cho sản xuất điện sẽ có những bước đi phù hợp với tình hình của nền kinh tế để vừa khuyến khích ngành Than phát triển, vừa tạo môi trường thu hút đầu tư và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 

 

Ông Phạm Mạnh Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng:

Một trong những mối lo nhất của các nhà quản lý hiện nay là tìm nguồn than nhập khẩu cho các nhà máy điện. Hiện Chính phủ đã giao cho Vinacomin làm đầu mối chủ động tìm nguồn than nhập khẩu. Thị trường đang hướng tới là Oxtraylia và Indonexia.

Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng cơ chế điều hành xuất nhập khẩu than, khuyến khích các nhà đầu tư tự tìm nguồn than cho nhà máy của mình. Việc quy hoạch cảng nhập than cũng đang được triển khai tại miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ các trung tâm nhiệt điện than ở khu vực miền Trung và miền Nam.

 

 

 

 

Ông Vũ Thành Lâm - Phó tổng giám đốc Vinacomin:

Những năm tới, Vinacomin chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa hoặc không có nhu cầu sử dụng. Năm 2011, lượng than xuất khẩu của Vinacomin là 16,8 triệu tấn, kế hoạch xuất khẩu năm 2012 sẽ giảm xuống 13,5 triệu tấn. Đến năm 2015, sẽ giảm xuống 5 triệu tấn và những năm sau sẽ ổn định ở con số 3 triệu tấn. Hiện nay, than sử dụng trong nước chủ yếu là các loại than có nhiệt lượng thấp, còn loại than nhiệt lượng cao trong nước chưa sử dụng nên sẽ xuất khẩu để bù vào phần lỗ từ than bán cho các nhà máy điện.

 

 

 

 

Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng:
Việc khai thác bể than sông Hồng mang tính chiến lược và phải hết sức thận trọng. Hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương đánh giá lại trữ lượng cho chính xác và đề xuất giải pháp khai thác sao cho vừa đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực và phát triển bền vững. Quá trình khai thác sẽ thực hiện từng bước đi vững chắc trong điều kiện kỹ thuật cho phép, đảm bảo lợi ích hiện tại và lâu dài. Trước mắt, sẽ lựa chọn một số diện tích chứa than có triển vọng, có điều kiện địa chất - mỏ thích hợp. Đến năm 2030, sẽ cơ bản hoàn thành thăm dò phần diện tích chứa than có điều kiện thuận lợi cho khai thác.

 

 

 

BẢNG DỰ BÁO NHU CẦU THAN CHO SẢN XUẤT ĐIỆN THEO NĂM

Năm

 

Dự báo nhu cầu than (triệu tấn/năm)

 

2012

từ 14,4 - 15,2

 

2015

 

từ 33,6 - 38

 

2020

 

từ 82,8 – 90,8

 

2025

 

từ 112,7 – 144,7

 

2030

 

từ 181,3 - 231,1

 

 

Tổng trữ lượng than của Việt Nam tính đến ngày 1/1/2011:

- Khoảng 48,7 tỷ tấn, trong đó: Than đá khoảng 48,4 tỷ tấn và than bùn khoảng 0,3 tỷ tấn.

- Trữ lượng than huy động vào quy hoạch là 7,2 tỷ tấn. Trong đó: Than đá khoảng 7 tỷ tấn, than bùn khoảng 0,2 tỷ tấn.

 


  • 17/05/2012 10:19
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 3563


Gửi nhận xét