Nhắc tới mất điện quy mô lớn, người ta không thể không đề cập tới đợt mất điện tại Ấn Độ hồi tháng 7/2012. Sự kiện này đã được xem là vụ mất điện lớn nhất trong lịch sử.
Vụ mất điện lớn nhất
Hệ thống điện ở Ấn Độ đã gặp vấn đề lớn trong nhiều năm. Ước tính khoảng 27% tổng lượng điện đưa lên mạng lưới đã bị mất trong quá trình truyền tải hoặc bị đánh cắp. Tổng lượng điện sản xuất được cũng chưa đáp ứng hết nhu cầu trong nước. Dân Ấn Độ đã quen với việc bị cắt điện dài trung bình tới 10 giờ đồng hồ mỗi ngày và khoảng 300 triệu người chưa từng có cơ hội sử dụng điện.
Thế nhưng vụ mất điện hồi năm 2012 vẫn khiến người ta sửng sốt. Mùa hè năm đó, nhiệt độ tăng cao đã khiến sản lượng điện ở New Delhi tăng ở mức kỷ lục. Mưa đến muộn cũng khiến các nhà máy thủy điện có sản lượng điện thấp hơn bình thường, trong khi nông dân lại hoạt động máy bơm nhiều hơn bình thường để có nước tưới tiêu.
Giao thông ở New Delhi, Ấn Độ, đã trở nên hỗn loạn sau vụ mất điện hồi năm 2012 - Ảnh ST
|
Hậu quả là vào 2h35 sáng ngày 30/7, đường dây 400 kV Bina-Gwalior ở Ấn Độ bị quá tải, gây ngưng hoạt động theo dây chuyền cả một hệ thống điện lớn. Điện bị cắt trên một vùng rất rộng nằm ở miền Bắc Ấn Độ, khiến khoảng 300 triệu người, tức 25% dân số, sống trong cảnh không có điện.
Phải mất 15 giờ sửa chữa, người ta mới phục hồi được 80% hệ thống điện. Nhưng tới 13h02 ngày 31/5, hệ thống lại hư hỏng thêm một lần nữa. Lần này, hơn 600 triệu người (tức nửa dân số Ấn Độ) ở 22/28 bang của nước này, trải khắp từ khu vực phía Bắc, phía Đông tới Đông Bắc đất nước, đã phải sống trong cảnh không có điện.
Không phải là chuyện hiếm
Và Ấn Độ không phải là nơi duy nhất xảy ra những vụ mất điện quy mô lớn, với nguyên nhân do hệ thống cơ sở hạ tầng.
Ngày 14/1/2012, một trạm truyền tải điện 380 kV đã bị hỏng ở tổ hợp nhà máy điện khí tự nhiên kết hợp Bursa ở Thổ Nhĩ Kỳ đã gây hư hỏng mạng điện kết nối với nó và gây mất điện. Trong thời gian xảy ra sự cố, 6 thành phố nằm ở khu vực Marmara, với số dân hơn 20 triệu người, đã bị ảnh hưởng.
Ngày 4/4/2012, một vụ mất điện lớn đã xảy ra ở CH Síp sau khi trạm điện Dhekelia của nước này bị hư hỏng. Kết quả là toàn bộ các thành phố của Síp đều mất sạch điện trong gần 5 tiếng đồng hồ.
Trước đó, vào ngày 4/2/2011, ít nhất 8 bang ở khu vực Đông Bắc Brazil gồm Alagoas, Bahia, Ceara, Paraiba, Pernambuco, Piaui, Rio Grande do Norte và Sergipe đã mất điện suốt 4 tiếng đồng hồ. Nguyên nhân do hoạt động tiêu thụ điện diễn ra quá mạnh gây quá tải đường truyền. Ước tính có 53 triệu người bị ảnh hưởng trong sự cố này. Một số thành phố lớn như Salvador, Recife và Fortaleza đã hoàn toàn không có điện.
Tương tự, trong tháng 3/2010, Chile đã xảy ra một vụ mất điện đã ảnh hưởng phần lớn nước này. Sự cố đã xảy ra do lỗi liên quan tới một máy biến áp 500 kV đặt ở một trạm điện thuộc miền Nam Chile, nằm trong khuôn khổ Hệ thống kết nối liên mạng trung tâm (SIC).
Mạng SIC phục vụ điện cho 93% dân số đất nước. Sau khi thiết bị biến áp trên bị hỏng, điện đã bị cắt tới hầu hết Chile. Đã có lúc ngay cả thủ đô Santiago cũng chỉ được cung cấp có 8% lượng điện so với mức sử dụng bình thường.
Người dân Chile đốt lửa thay đèn trong vụ mất điện hồi năm 2010 - Ảnh ST
|
Không thể xem nhẹ an ninh năng lượng
Gần như tất cả các vụ mất điện quy mô lớn trên thế giới đều được điều tra làm rõ trách nhiệm và đề ra hướng xử lý.
Tại vụ mất điện lớn nhất thế giới ở Ấn Độ, trong ngày xảy ra sự cố, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Sushil Kumar Shinde đã cho thành lập một ủy ban độc lập để tìm nguyên nhân hư hỏng mạng lưới điện, phương thức ngăn chặn sự cố tương tự và trình báo cáo chi tiết trong vòng 15 ngày.
Ông cũng phản ứng với các chỉ trích bằng việc giải thích rằng Ấn Độ không phải là nơi duy nhất bị mất điện quy mô lớn. Các nước phát triển như Mỹ hay nằm trong nhóm kinh tế mới nổi như Brazil cũng đã phải đối mặt với tình trạng mất điện trên diện rộng.
Rajiv Kumar, Tổng thư ký Liên đoàn Các phòng thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) sau đó đánh giá: "Một trong những lý do gây sập mạng lưới điện là khoảng cách quá lớn giữa cung và cầu. Cần phải khẩn trương cải cách mạng lưới điện và cải thiện cơ sở hạ tầng để đáp ứng các thách thức mới tới từ một nền kinh tế đang đi lên".
Vụ mất điện đã gây các áp lực lớn buộc Thủ tướng Manmohan Singh phải đẩy nhanh kế hoạch đầu tư 400 tỷ USD để cải tổ hệ thống điện của Ấn Độ. Việc đầu tư lớn như thế sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng cho Ấn Độ, với viễn cảnh tăng thêm 75 GW điện vào mạng lưới tới năm 2017 và một lượng lớn số điện này sẽ được tạo ra từ các nhà máy điện hạt nhân.