Tại hội nghị, đại diện EVN, ông Nguyễn Minh Khoa – Trưởng ban Pháp chế EVN – đã tham luận về vấn đề tổ chức, hoạt động pháp chế của Tập đoàn. Trong đó, ông Nguyễn Minh Khoa nhấn mạnh đến vấn đề phổ biến văn bản pháp luật, quy chế quản lý nội bộ cùng một số công tác cải cách hành chính. Theo đó, dù mới được thực hiện năm 2011 nhưng các kế hoạch tham mưu cải cách hành chính của ban Pháp chế EVN đã đạt được những kết quả khả quan và áp dụng tốt ở một đơn vị như Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực TP.HCM.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai công tác pháp chế tại một số đơn vị vẫn gặp nhiều vướng mắc. Tiêu biểu nhất là việc các văn bản quy phạm pháp luật chưa được hệ thống hóa gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, đặc điểm chung của một số công ty, tập đoàn nhà nước là vẫn bị động trong việc giải quyết tranh chấp với các đối tác nước ngoài.
Đại diện Tổng công ty phát điện 3 (EVN GENCO3) đã kiến nghị: Nên có sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật được thay đổi giữa các thời kì, tránh mâu thuẫn chồng chéo gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện. Bên cạnh đó, chính sách tiền lương, đãi ngộ cần rõ ràng, tạo môi trường làm việc thuận lợi để thu hút cán bộ pháp chế năng lực giỏi.
|
Các đại biểu thảo luận vấn đề triển khai công tác pháp chế tại doanh nghiệp |
Trong khuôn khổ chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương – đã giới thiệu tới hội nghị chuyên đề “những khía cạnh pháp lý trong việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước”. Chuyên đề này nhấn mạnh tới tình hình triển khai tái cơ cấu và những khía cạnh pháp lý trong việc thực hiện tại doanh nghiệp. TS. Nguyễn Đình Cung cũng trình bày mở rộng vấn đề qua việc so sánh hệ thống pháp luật và quá trình thực tiễn thi hành. Chuyên đề đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Tuyến – Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp – cho biết: Với chính sách thu hút đầu tư nhằm phát triển nền kinh tế đất nước, chính phủ đã ban hành nhiều văn bản luật liên quan đến hoạt động kinh tế để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Điều này cho thấy sự cần thiết của bộ phận pháp chế với nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp nắm bắt kịp thời những quy định của pháp luật, vận dụng hiệu quả những chính sách đó vào quá trình sản xuất kinh doanh. Theo đó, việc tạo hệ thống liên kết giữa các cán bộ pháp chế là cần thiết, Bộ Tư pháp sẽ tăng cường hơn nữa vai trò là cầu nối giữa tổ chức pháp chế các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước nhằm tăng cường năng lực chuyên môn và đưa hoạt động pháp chế đi vào hoạt động hiệu quả hơn.
Nắm rõ vai trò của công tác pháp chế doanh nghiệp, trong một vài năm gần đây, EVN đã liên tục tổ chức các hội nghị tạo kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các cán bộ thực hiện công tác pháp chế tại một số cơ quan, tập đoàn. Năm 2013, EVN phối hợp với Bộ Tư pháp cùng tổ chức hội nghị này. Đại diện một số đơn vị của EVN cùng các tập đoàn: Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN).. cũng tham dự.