Sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo được xem là một giải pháp kích hoạt cho kinh tế xanh phát triển nhanh hơn. Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển điện gió, điện mặt trời tạo ra nguồn năng lượng tái tạo giúp giảm nhiều phát thải ra môi trường. Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, nếu phát triển tốt nguồn năng lượng tái tạo trên sẽ đóng góp cho GDP của Việt Nam từ 70-80 tỷ USD/năm. Hiện nay, những vướng mắc liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo đã cơ bản được tháo gỡ. Vì thế, các doanh nghiệp (DN) sẽ thuận lợi hơn trong đầu tư vào điện gió, điện mặt trời.
Đồng Nai có số giờ nắng bình quân trong năm thuộc tốp đầu cả nước nên rất thuận lợi cho phát triển điện mặt trời áp mái. Bên cạnh đó, tỉnh là trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam với 39 khu công nghiệp (hiện có 31 khu công nghiệp đang hoạt động), nhu cầu sử dụng điện lớn thứ 4 trong cả nước. Sản phẩm công nghiệp ở Đồng Nai trên 70% dành cho xuất khẩu vào các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… Đây đều là những quốc gia đòi hỏi cao về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm xanh, ít phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế sẽ được người tiêu dùng các quốc gia trên ưu tiên sử dụng nhiều hơn. Vì thế, các DN ở Đồng Nai có hàng hóa xuất khẩu vào những thị trường này đang có “cuộc đua” tham gia vào sản xuất xanh. Nhiều DN ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo bằng cách tự đầu tư điện mặt trời áp mái hoặc mua lại của DN khác.
Theo tính toán của các DN, đầu tư điện mặt trời cùng lúc đem lại 2 lợi ích lớn là đảm bảo tiêu chí cho sản xuất xanh; sau 5 năm sẽ thu hồi vốn bỏ ra đầu tư và bắt đầu có lời. Trong khi hệ thống điện mặt trời áp mái có thể hoạt động từ 12-15 năm. Như vậy, các DN sử dụng nhiều điện, đầu tư năng lượng tái tạo có thể thu lợi nhuận lớn. Ngoài ra, nguồn năng lượng tái tạo không sử dụng hết có thể bán trực tiếp cho các nhà máy lân cận.
Link gốc