Tự hào truyền thống cách mạng
60 năm trước, ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Trải qua những năm kháng chiến gian khổ, cũng như xây dựng đất nước trong hòa bình, Bộ Công Thương đã được thay đổi tổ chức với nhiều tên gọi khác nhau, để thực hiện nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ.
Ngày 31/7/2007, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII thông qua Nghị quyết số 01/2007/QH 12 hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương. Tiếp đó, ngày 2/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 5 hàng năm là “Ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam”.
60 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ ngành Công Thương Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để đóng góp công sức trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và phát triển đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, ngành Công Thương đã không ngừng vươn lên thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nhờ vậy, trong những năm qua, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu luôn đạt mức tăng trưởng cao, thị trường được mở rộng tới hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Năm 2010, đã có 18 nhóm mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Hàng xuất khẩu của Việt Nam đã từng bước có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế, tích cực đóng góp vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu... Hiện nay, Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và là thành viên tích cực của nhiều tổ chức kinh tế khu vực khác.
|
Vận hành hệ thống điện an toàn liên tục đảm bảo an ninh năng lượng quôc gia |
Đối với trong nước, ngành Công Thương cung cấp sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế và cho nhu cầu tiêu dùng của toàn dân, đóng góp trên 60% GDP cả nước, khoảng 70% thu ngân sách nhà nước hàng năm, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, trong đó khá đông là lao động có trình độ kỹ thuật và tay nghề cao. Những thành tựu này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với ngành Công Thương mà còn góp phần to lớn thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Thách thức tăng trưởng bền vững
Trước yêu cầu bức thiết của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong nhiều năm qua, ngành Công Thương đã chủ động tham mưu cho Đảng và Nhà nước về các định hướng, chính sách, lộ trình hội nhập và phát triển. Với mục tiêu chiến lược là phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực Châu Á và thế giới, tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.
Trong 5 năm tới, ngành Công Thương phấn đấu đạt giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 45% trong tổng GDP; đưa kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12%/năm; giá trị sản phẩm công nghệ chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trên cả 3 phương diện song phương, khu vực và đa phương; đẩy mạnh đầu tư - xây dựng những dự án công nghiệp hỗ trợ với quy mô lớn, chất lượng cao.
Để đảm bảo các mục tiêu đề ra, ngành Công thương đã tập trung đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng như: Năng lượng, lọc hoá dầu, hoá dược, luyện kim, hoá chất, cơ khí chế tạo, vật liệu xây dựng... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển sắp tới.
Năm 2011, ngành Công Thương quyết tâm đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2010; nhập siêu hàng hóa không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên thị trường nội địa tăng 22%; bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu nhằm góp phần kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%. Trong năm 2011 và các năm tiếp theo, ngành Công Thương tiếp tục chủ trương lấy xuất khẩu làm mục tiêu phát triển, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, tăng tỷ trọng các ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; tăng tỷ trọng sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch.
|
|
Ngành Dầu khí đã đóng góp một phần quan trọng cho sự phát triển đất nước |
"Điện đi trước một bước" tạo đà cho sự thành công trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước |
Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ngành Công Thương đã đặt ra các nhiệm vụ kế hoạch năm 2011 là thực hiện thắng lợi 3 mục tiêu: Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo tinh thần Kết luận số 02/KL/TW ngày 16/3/2011 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 9/1/2011 và nhất là Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ. Trong đó với nhiệm vụ xuyên suốt, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm tỷ trọng của các hàng gia công, hàng sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng… tạo tiền đề để đất nước phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.'
Một số kết quả đạt được của Ngành Công Thương
* Năm 2010:
- Kim ngạch xuất khẩu: 72,2 tỷ USD (gấp 92 lần năm 1986).
- Tỷ lệ nội địa hoá ngành xe máy: 85 - 90%; thiết bị điện: 80 - 90%.
- Nhập siêu: 17,5% (năm 1986, nhập siêu ở mức 300%).
- Cơ sở vật chất hạ tầng: Hơn 230 khu công nghiệp, khu kinh tế biển; 25 tỉnh biên giới mở khu kinh tế cửa khẩu, cụm điểm công nghiệp…
- Việt Nam xếp thứ 14 trên thế giới về sự hấp dẫn đầu tư đối với thị trường bán lẻ.
+ Ngành công nghiệp nặng:
- Điện sản xuất và mua ngoài đạt 97 tỷ kWh; điện thương phẩm bình quân đạt 981 kWh/người/năm; tốc độ tăng trưởng điện bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt trên 13,7%, gấp hơn 2 lần so với tăng trưởng GDP.
- Sản xuất than sạch 44 triệu tấn; dầu thô 16,4 triệu tấn; lọc hóa dầu đạt 6,5 triệu tấn sản phẩm (đáp ứng 1/3 nhu cầu trong nước); khí đốt thiên nhiên 9 tỷ m3; sản xuất thép tròn đạt 4,7 triệu tấn; phân hóa học đạt 2,5 triệu tấn; xi măng 56,7 triệu tấn.
* Giai đoạn 1986 - 2010:
- Mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu: 26%/năm.
- Tốc độ tăng trưởng công nghiệp: 12,6%/năm.