Nhân lực chất lượng cao, cần thử thách thực tế!

Là người thầy của nhiều kỹ sư, thạc sĩ và 16 tiến sĩ ngành Hệ thống điện, GS.VS.TSKH Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực Việt Nam, nguyên giảng viên khoa Hệ thống điện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chia sẻ về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Điện.

GS.VS Trần Đình Long

PV: Thưa GS.VS Trần Đình Long, ông đánh giá thế nào về chất lượng nguồn nhân lực của ngành Điện hơn nửa thập kỷ qua?

GS.VS Trần Đình Long: Trước đây, khi đất nước chưa giải phóng, nguồn nhân lực của ngành Điện, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư điện chủ yếu được đào tạo từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Các kỹ sư tốt nghiệp ngành Hệ thống điện nhìn chung đã đáp ứng được yêu cầu của sản xuất - kinh doanh điện năng. Nhiều người đã được tin tưởng giao những trọng trách quan trọng của ngành, có người chuyển sang làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước.

Cũng có một nguồn nhân lực khác, tuy không nhiều, đó là các kỹ sư điện được đào tạo ở nước ngoài, chủ yếu là từ Liên Xô (cũ), các nước Đông Âu và từ Trung Quốc... Khi đất nước thống nhất và hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực của ngành Điện còn được đào tạo từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, Tây Âu...

PV: Theo ông, bên cạnh các kiến thức lý thuyết, việc thực hành của các sinh viên điện tại Việt Nam đã đạt được yêu cầu hay chưa?

GS.VS Trần Đình Long: Để đào tạo được đội ngũ kỹ sư có chất lượng, không chỉ phần lý thuyết phải được truyền đạt nghiêm túc, đầy đủ theo những giáo trình chuẩn của các nước tiên tiến mà còn phải coi trọng khả năng thực hành, khả năng làm việc thực tế tại các công trường, phân xưởng. Cần phải khẳng định một cách khách quan, sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành trong đào tạo nhân lực cho ngành Điện ở Việt Nam còn yếu so với hệ thống đào tạo nhân lực ngành Điện của các nước tiên tiến trên thế giới.

Một phần là do cơ sở vật chất, kỹ thuật của các trường đào tạo chưa tốt, trang thiết bị cũ, lạc hậu. Việc mua sắm thiết bị mới theo kịp những thành tựu khoa học công nghệ của Điện lực đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn. Hiện nay, rất nhiều trường cơ sở vật chất còn quá thiếu và yếu, vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo, đặc biệt là chất lượng thực hành của các kỹ sư điện tương lai.

PV: Theo Giáo sư, các cơ sở đào tạo cần đổi mới thế nào để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp ngành Điện?

GS.VS Trần Đình Long: Tôi cho rằng, việc những ngành kinh tế - kỹ thuật lớn cần có những trường đào tạo chuyên nghiệp riêng của ngành mình là vấn đề cần phải nghiên cứu. Một số nước trên thế giới, doanh nghiệp điện lực có những cơ sở đào tạo riêng. Ví dụ như, Tập đoàn Điện lực TNB của Malaysia, hoặc CH Pháp có những cơ sở đào tạo riêng cho lĩnh vực Điện lực quốc gia.

Trước đây, khi tôi còn làm ở EVN, có Trường Cao đẳng Điện lực, nay là Trường Đại học Điện lực, nay do thay đổi về tổ chức quản lý, Trường đã chuyển về trực thuộc Bộ Công Thương. Tôi nghĩ đây cũng là thiệt thòi cho ngành Điện.

PV: Vừa qua, EVN đã ký thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ. Vậy EVN, phải làm gì để các chương trình hợp tác này mang lại hiệu quả thiết thực, thưa ông?

GS.VS Trần Đình Long: Việc hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với các cơ sở sản xuất luôn đảm bảo lợi ích cho cả 2 bên. Thứ nhất, về phía doanh nghiệp, có thể áp dụng những kết quả nghiên cứu khoa học của trường, viện nghiên cứu. Về phía cơ sở đào tạo, đây là dịp để thâm nhập thực tế, tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp và bổ sung vào các chương trình đào tạo tiếp theo.

Tuy nhiên, việc hợp tác với một số trường nào đó, không có nghĩa là chúng ta không hợp tác với các cơ sở khác. Ví dụ như các viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam chẳng hạn, thậm chí là một số đơn vị sản xuất thiết bị có đội ngũ kỹ sư giỏi, các trường đại học ở nước ngoài... Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh là, không nhất thiết phải gắn chặt với một đơn vị nào đó, mà EVN có thể lựa chọn từng ngành mũi nhọn để hợp tác với các đơn vị có thế mạnh.

PV: Ông đánh giá như thế nào về việc tổ chức các loại hình đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực thực hành cho CBCNV của Tập đoàn?

GS.VS Trần Đình Long: Nâng cao trình độ, năng lực cho CBCNV của Tập đoàn là mảnh đất còn rất rộng. Chúng ta cần có nhiều hình thức đào tạo, từ đào tạo tay nghề, huấn luyện tay nghề cho kỹ sư điện, tổ chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho CBCNV. Cần tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, cập nhật những thành tựu mới nhất về KHCN cho kỹ sư điện, vì kỹ sư đã tốt nghiệp, ra trường 5-10 năm, nếu không được bổ sung kiến thức, sẽ bị tụt hậu, không nắm bắt kịp xu thế phát triển không ngừng của KHCN.

Ở đây, cũng có thể mở các lớp tập huấn có sát hạch, cấp chứng chỉ cho các kĩ sư. Từ đó, tiến tới, phân loại, xếp hạng các chuyên gia đầu ngành, trả lương theo hạng để khuyến khích họ tích cực làm việc và cống hiến nhiều hơn cho ngành Điện.

PV: Thưa ông, tiêu chí nào là quan trọng nhất trong việc đánh giá năng lực của một cá nhân?

GS.VS Trần Đình Long: Tôi nghĩ, hiệu quả công việc là tiêu chí thực tế đang sử dụng để đánh giá năng lực của từng người. Khi tuyển dụng nhân sự, dữ liệu về bằng cấp của ứng viên cũng quan trọng, nhưng không là yếu tố quyết định. Có nhiều trường hợp bằng “đỏ”, nhưng thực tế làm việc không xuất sắc như người bằng “xanh”. Muốn đánh giá chính xác về năng lực, cần phải cho họ được thử thách trong thực tiễn. Tuy nhiên, thực tế phải là môi trường minh bạch rõ ràng, có tính cạnh tranh cao thì người có năng lực mới thể hiện được hết khả năng của mình.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 17/12/2019 02:19
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 10666