“Quy hoạch điện không thể làm theo động lực của nhà đầu tư”

Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương xung quanh vấn đề bổ sung các dự án điện gió, điện mặt trời vào Quy hoạch điện VII.

TS. Nguyễn Đình Cung

PV: Việc bổ sung cấp tập các dự án điện mặt trời thời gian qua và giờ đây là điện gió vào Quy hoạch điện VII liệu có hợp lý không, thưa ông?

TS Nguyễn Đình Cung: Ở đây có 2 vấn đề đặt ra. Thứ nhất, tại sao cần bổ sung? Có thể là do quy hoạch hiện nay chưa đáp ứng được kỳ vọng, yêu cầu của thực tiễn, cũng đồng nghĩa là chất lượng xây dựng quy hoạch chưa cao. 

Thứ hai, khi bổ sung số lượng lớn các dự án và công suất vào quy hoạch, cần phải đánh giá lại Quy hoạch điện VII, không phải làm theo nhu cầu của nhà đầu tư trong điều kiện Chính phủ đã quyết định nâng giá mua điện mặt trời, điện gió lên cao. Quy hoạch điện không thể làm theo động lực của nhà đầu tư bởi như vậy sẽ băm nát Quy hoạch và sau này không thể sửa được. 

Làm quy hoạch không được “bảo thủ”, khi thấy cần sẽ phải bổ sung, cập nhật, nhưng phải tiến hành đánh giá thực trạng, cân nhắc tổng thể mọi nguồn cấp, các yếu tố liên quan, tuyệt đối không thiên lệch về một nguồn nào đó. Không thể làm theo cách nhà đầu tư này, tỉnh này chạy lên xin, các cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận bổ sung Quy hoạch. Các tỉnh khác, nhà đầu tư khác cũng chạy lên xin, lại bổ sung quy hoạch tiếp… Như vậy, không còn là quy hoạch nữa. 

Đặc biệt với ngành Điện, do tính chất phải có hệ thống truyền tải với chức năng giải tỏa công suất phải tính toán rất cụ thể, rõ ràng trong quy hoạch. Nếu cứ bổ sung nguồn mà đường dây tải điện không được bổ sung hoặc không theo kịp tốc độ bổ sung nguồn, Nhà nước tự đưa mình rơi vào thế bị động và liên tục phải giải quyết “tình thế đã rồi”. Khi đó, đường dây mà doanh nghiệp tư nhân đầu tư dù là ở cấp điện áp 500kV từ trước nay tư nhân chưa từng đầu tư cũng chỉ là tình thế để gỡ điểm nghẽn của quá trình liên tục bổ sung quy hoạch mà thôi, không phải là bước đột phá. 

PV: Gần đây, số dự án điện mặt trời, điện gió sau khi được bổ sung vào quy hoạch hoặc mới đưa vào vận hành đã bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài? Ông có nhận xét gì về tình trạng này? 

TS Nguyễn Đình Cung: Nguồn điện của Việt Nam đang khó khăn. Đầu tư vào điện mặt trời và điện gió đang sinh lời lớn với giá mua cao đã dẫn tới phong trào đầu tư tư nhân trong nước tăng mạnh. 

Ở Việt Nam, việc doanh nghiệp chuyển nhượng vốn sau khi xin được dự án được pháp luật cho phép. Về mặt thị trường cũng là bình thường. Tuy nhiên, khi việc chuyển nhượng vốn diễn ra ở nhiều dự án thì lại là điều bất thường. Điều này cho thấy, cơ chế cấp phát dự án, bổ sung quy hoạch là xin - cho, và đã cho cả những nhà đầu tư không đủ năng lực, khiến ngay từ đầu đã tạo ra sự rối ren. Như vậy, rõ ràng phải xem lại cách bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng tái tạo đã và đang làm. Chúng ta cần phải mang lại cơ hội công bằng cho các nhà đầu tư, ai làm tốt sẽ có quyền được tiếp cận dự án và người có năng lực thật sự hay công nghệ vượt trội sẽ được làm, thay vì phải mua lại dự án. 

Ảnh minh hoạ

PV: Theo ghi nhận, các nhà đầu tư mua lại các dự án NLTT gần đây đến từ các nước trong khu vực ASEAN và lân cận, thiếu vắng các nhà đầu tư đến từ các nước phát triển như châu Âu hay Mỹ. Thực tế này có nói lên điều gì không, thưa ông? 

TS Nguyễn Đình Cung: Thông thường câu hỏi này cũng được đặt ra trong khi thu hút đầu tư nước ngoài. Chúng ta cần làm rõ “nhà đầu tư nước ngoài” là ai? Liệu họ có mang công nghệ tiên tiến đến không và cũng cần lưu tâm cả khía cạnh an ninh năng lượng, tránh tình trạng bị ảnh hưởng, phụ thuộc. Các nhà đầu tư vào Việt Nam hiện nay đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay gần đây là Trung Quốc và ít có nhà đầu tư lớn đến từ Mỹ hay châu Âu. 

Tôi có đặt vấn đề “đầu tư vào Việt Nam chưa nhiều?” với đại sứ của một nước phát triển và muốn có những dự án lớn trong ngành Năng lượng. Vị này có nhắc tới một số vấn đề như, hệ thống tài chính chưa minh bạch, thủ tục hành chính kéo dài, chính sách không tiên lượng trước được, thời gian làm thủ tục dài, nhưng lại không biết có được kết quả hay không. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giải quyết, thường có tình trạng “nay quyết thế này, mai lại quyết khác”, hay họ nhìn vào những dự án trọng điểm và thấy thời gian thảo luận giữa các cơ quan hữu trách mất quá nhiều thời gian… Những điều này đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài không dễ làm. 

PV: Việc thu hút tư nhân vào làm đường dây truyền tải hiện đang được nhiều người cho là rất cần thiết vì giảm bớt đầu tư của Nhà nước, vậy theo ông, điều này có cần khuyến khích? 

TS Nguyễn Đình Cung: Điện là hàng hoá đặc biệt, sản xuất ra phải truyền tải ngay đến nơi tiêu thụ. Với tính chất của ngành Điện, tôi cho rằng, khâu truyền tải điện Nhà nước nên độc quyền cả đầu tư và vận hành lưới truyền tải, đảm bảo tính liên tục, công bằng và an ninh năng lượng. Tuy nhiên, trong điều kiện, đầu tư Nhà nước không thể bao quát hết, trong khi tư nhân có điều kiện, việc khuyến khích tư nhân bỏ vốn vào truyền tải là nên làm. Ở đây tư nhân đầu tư mạng lưới nhánh hoặc từng phần và Nhà nước có thể quản lý, trả phí cho tư nhân. 

Ở trường hợp cụ thể cần phân biệt rõ, đường dây 500kV mà doanh nghiệp xây ảnh hưởng thế nào tới an toàn hệ thống điện quốc gia? Nếu các doanh nghiệp tư nhân xây dựng một đoạn đường dây 500kV nào đó để kết nối và truyền tải điện do mình sản xuất ra lên hệ thống điện thì đường dây này vẫn mang tính chất để bán điện chứ chưa truyền tải gì cả. Nghĩa là doanh nghiệp này xây đường dây 500kV nhắm tới phục vụ cho lợi ích của bản thân họ là chính. Cơ quan chức năng phải làm rõ câu chuyện này. Cần xác định vấn đề phải xử lý ở đây là gì? Đừng là việc nhỏ mà lại tổng quát hoá thành chuyện lớn.

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 15/07/2020 11:16
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 4333