Trong khi theo định hướng lâu dài, mặt hàng điện và nhiều mặt hàng khác đều sẽ phải bán theo giá thị trường. Việc bán điện dưới giá thành có nhiều hệ lụy, liên quan đến giá than và giá nhiều hàng hóa khác. Việc này khiến các doanh nghiệp không có động lực đầu tư công nghệ tiết kiệm điện và “lao” vào các ngành có công nghệ cao. Đặc biệt, với nhiều ngành sản xuất tiêu tốn điện vô hình trung được lợi, như ngành cán thép vừa tiêu tốn điện lại gây ô nhiễm. Nếu hoạch toán đầy đủ giá điện thì kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, các mặt hàng sẽ công bằng hơn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định tăng giá điện là cần thiết |
Chính phủ luôn bày tỏ rõ quan điểm, điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu phải đạt một số yêu cầu: Thứ nhất, công khai minh bạch (giá thành; lỗ, lãi; lý do tại sao tăng, giảm); thứ hai, làm đúng theo quy định của pháp luật; thứ 3, dù có tăng nhưng không được làm ảnh hưởng tới người nghèo, người khó khăn và những đối tượng cần khuyến khích, nếu có ảnh hưởng thì đi liền với nó cần có giải pháp để những đối tượng đó được bù.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, vừa qua, dựa trên những yêu cầu này, ngành Điện đã tiến hành điều chỉnh giá điện. Chính phủ chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp và một bộ phận nhân dân. Nhưng Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp và nhân dân nhìn vào mục tiêu lớn cùng nhau nỗ lực. Chính phủ đã có ý kiến với Bộ Công Thương và ngành Điện cần rút kinh nghiệm, khi tăng một loại giá ảnh hưởng đến nhiều người dân, ngoài việc công khai, minh bạch về giá cả theo đúng quy định còn cần tổ chức tuyên truyền tốt để nhân dân, doanh nghiệp hiểu, có sự chuẩn bị sẵn sàng. Tới đây, không chỉ điện, xăng dầu và các mặt hàng khác theo lộ trình của Chính phủ tiến tới đưa về giá thị trường để có cơ cấu giá hợp lý, hợp quy luật, từ đó khuyến khích nhân dân, doanh nghiệp phát triển đúng định hướng.
Tham gia trả lời vấn đề này, Thứ trưởng bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết, việc tăng giá điện không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất. Với ngành sản xuất sử dụng nhiều điện thì điện cũng chỉ chiếm 10% giá thành (hóa chất, luyện kim…). Như vậy, nếu tăng giá điện 5% thì tác động nhiều nhất vào giá thành cũng chỉ khoảng 0,5%. Nhưng đây cũng là con số tính toán cứng, còn thực tế, không hoàn toàn đến mức tác động như vậy. Nếu doanh nghiệp điều chỉnh giờ sử dụng điện, áp dụng các biện pháp giảm chi phí, quản lý tốt sẽ khiến cho việc điều chỉnh này có tác động rất nhỏ đến giá thành sản phẩm.