Thu ngân viên miền núi: Những chuyện chưa bao giờ kể

Trong ký ức của những thu ngân viên điện lực miền núi Hà Giang, Lâm Đồng, Thái Nguyên… có những “chuyện thật như đùa” mà nếu ai chưa từng một lần trải nghiệm, thì sẽ thấy không tin được, dù đó là sự thật…

Cùng lắng nghe tâm sự của những thu ngân viên miền núi để thấy được sự vất vả nhọc nhằn của họ, từ đó, hiểu và cảm thông, chia sẻ với họ nhiều hơn…

Đi bộ cả ngày vào tận các bản làng thu tiền điện là chuyện thường ngày của thu ngân viên vùng cao. Ảnh: Phan Trang

Thu tiền điện theo… phiên chợ!

Gần 10 năm gắn bó với nghề thu ngân, rất nhiều kỷ niệm vui buồn, rất nhiều tình huống “cười ra nước mắt” đã trở thành kỉ niệm không thể nào quên của chị Nguyễn Thị Hậu (nhân viên Điện lực Võ Nhai – Công ty Điện lực Thái Nguyên). Trong đó, có biệt danh“Thu ngân viên chợ phiên” mà mọi người đùa vui đã đặt tên cho những người làm công việc thu ngân như chị…

Chị Hậu kể: Cách đây khoảng 8 - 9 năm, khi một số xã vùng cao của Thái Nguyên mới có điện. Vui thì vui đấy, nhưng đời sống còn quá nhiều khó khăn, nên mỗi tháng có nhà chỉ dùng hết dăm ba nghìn đồng tiền điện. Tuy là số tiền nhỏ, nhưng với bà con dân tộc vùng cao cũng là “cả một vấn đề”… Hầu hết bà con đều phải đợi đến phiên chợ (mỗi tuần họp 1 lần) bán con gà, cân ngô, củ sắn… mới có tiền mua sắm đồ đạc và trả tiền điện. Vì vậy, nhân viên thu ngân cũng đã “sáng kiến” thu tiền điện theo… chợ phiên. Nghĩa là đến phiên chợ cuối tháng, nhân viên sẽ bố trí 1 cái bàn nhỏ, ngồi thu tiền điện, “vừa gặp được nhiều bà con đi chợ, cũng là lúc bà con có tiền để trả”. Chị Hậu vẫn nhớ như in một kỉ niệm đặc biệt: “Năm đó, đã 28 Tết, mọi người ngược xuôi sắm Tết… Vậy mà tôi vẫn một mình ngồi bên bàn thu ngân để thu nốt những khách hàng cuối cùng. Cái cảm giác của một thu ngân viên trẻ măng vừa tập tọe vào nghề vừa buồn, vừa tủi thân mà cho đến giờ mỗi khi nghĩ lại vẫn bồi hồi xúc động”.

Sau này, khi đã có gia đình, nhiều lúc chị Hậu vẫn phải nhờ ông xã làm “xe ôm” chở đi thu tiền vào những ngày trời mưa, đường rừng trơn không thể đi nổi. Gần chục năm gắn bó với nghề thu ngân, là bằng ấy năm trải nghiệm bao chuyện vui buồn. Cũng có những lúc quá vất vả, mệt nhọc, chị Hậu đã ước ao “được một lần ngồi làm sổ sách hay hành chính văn phòng”. “Nhưng ước là vậy thôi, rồi cuộc sống và công việc cứ cuốn đi, đến lúc giật mình tự hỏi: Không hiểu mình đã yêu nghề tự lúc nào?” – Chị Hậu chia sẻ chân tình.

Niềm vui bà con vùng cao ngày có điện. Ảnh: CTV

Thu ngân viên kiêm “tuyên truyền viên”

Năm nay đã gần tuổi nghỉ hưu, hơn 20 năm gắn bó với nghề, trong vai trò “thu ngân viên miền núi”, chị Bùi Thu Huyền (Điện lực Lạc Dương - Công ty Điện lực Lâm Đồng) là một tấm gương mẫu mực về thu ngân. Ở chị, có sự cần mẫn, chịu thương chịu khó, cộng với khả năng ứng xử mềm mại, linh hoạt trong mọi tình huống. Chính vì vậy mà dù đã nhiều tuổi, thành tích thu ngân của chị vẫn luôn vượt trội so với các chị em khác - Phó giám đốc Điện lực Lạc Dương, anh Lê Văn Dương, cho biết. Có thể nói, chị vừa là một  thu ngân viên, đồng thời cũng là tuyên truyền viên giỏi ngành Điện.

“Không phải là do mình tài giỏi gì đâu, tất cả do yêu cầu công việc mà thôi. Bà con dân tộc ở đây có khi không hiểu, cứ nghĩ mình đi thu tiền là… lấy tiền của họ. Vì vậy, tôi phải giải thích rất tỷ mỷ, nhẹ nhàng. Khổ nhất là mỗi lần nhà nào hóa đơn tiền điện tăng hơi cao so với bình thường, dù chỉ chục nghìn thôi, là họ lại thắc mắc, mình lại mất hàng giờ đồng hồ giải thích” – chị Huyền tâm sự.

Có một kỷ niệm mà chị không bao giờ quên trong hơn 20 năm gắn bó với nghề, đó là lần suýt bị một người địa phương đòi xử bằng dao quắm. “Tôi vẫn nhớ như in lần đi thu tiền điện ấy, chủ nhà là người dân tộc K’Hor rất cao to, cầm con dao quắm dài chạy ra khi vừa thấy bóng tôi, dọa chém, nói là tại sao dám cắt điện của họ. Tuy nhiên, thay vì bỏ chạy hay ở lại to tiếng, tôi đã bình tĩnh giải thích, thông báo về điện lực để anh em đến kiểm tra đường điện cho gia đình kịp thời. Khi hiểu ra là mất điện do sự cố đường dây trong nhà, lại được sửa chữa nhanh chóng, chứ không phải là vì chưa nộp tiền điện mà cán bộ điện lực cắt điện, gia đình vui lắm. Từ chỗ hiểu nhầm, dọa chém… mọi người đã mang chuối ra mời tôi ăn và vui vẻ thanh toán tiền điện”. Kỷ niệm đáng nhớ đó trở thành bài học quý về tính nhẫn nại, sự mềm mỏng cần thiết của một thu ngân viên miền núi. Và cũng chính vì vậy, chị vừa làm công tác thu ngân, vừa "kiêm tuyên truyền viên" cho  ngành về các chế độ chính sách liên quan đến điện, giá điện, dịch vụ điện… từ lúc nào không hay!

Đó là những câu chuyện nhỏ của các thu ngân viên miền núi mà tôi đã được nghe họ trải lòng trong một số lần đi công tác vùng cao. Trước thềm năm mới, trong bất bật của lo toan, những kỷ niệm như những mảnh ghép từ ký ức ấy, bỗng trở nên lung linh, ấm áp vô cùng…
 

Trèo đèo, lội suối hàng chục km để vào từng nhà dân để thu 5 - 7 nghìn đồng tiền lẻ đúng nghĩa, nhưng nhiều lúc vẫn phải lóc cóc quay về vì bà con đi làm nương rẫy vắng, hôm sau lại lặn lội quay vào. Đó là “chuyện thường ngày” của nhân viên thu ngân tại các điện lực vùng cao. Thậm chí, có nhiều trường hợp bà con còn trả tiền điện bằng… quả trứng, bắp ngô và “nhờ cán bộ điện thông cảm vì nhà không có tiền”…

Anh Nguyễn Ngọc Tuân – nhân viên Điện lực Mèo Vạc (thuộc Công ty Điện lực Hà Giang):
Cách đây vài năm, khi đi thu tiền điện của một hộ dân người Mông, chủ nhà gãi đầu, gãi tai nói rất thật thà: Nhà không có tiền đâu, cán bộ điện thông cảm, cầm tạm quả trứng nhé… Nghĩ thương bà con, cũng vì số tiền điện không nhiều, nên anh Tuân quyết định vào ổ gà lấy 1 quả trứng, coi như là “đã thu tiền” rồi sau đó lấy tiền của mình trả bù cho gia đình đó.

Chị Bùi Thị Huyền – một thu ngân viên “kỳ cựu” của Điện lực Lạc Dương (thuộc Công ty Điện lực Lâm Đồng):
Để thu được tiền điện ở vùng cao, đặc biệt là các xã phần lớn là dân tộc thiểu số, thu ngân viên phải hiểu phong tục, tập quán của họ. Thậm chí phải “uống rượu giỏi”, thông thạo cả tiếng dân tộc.

 


  • 03/02/2014 10:56
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3846


Gửi nhận xét