Điện mặt trời có gây ô nhiễm môi trường?

Điện mặt trời có thực sự là nguồn năng lượng sạch, điện mặt trời có gây ô nhiễm môi trường... Cần làm gì để điện mặt trời thực sự là nguồn năng lượng sạch? tietkiemnangluong.vn đã trao đổi với các chuyên gia năng lượng về vấn đề này.

GS.TSKH Trần Đình Long

GS.TSKH Trần Đình Long – Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam:

"Nguồn năng lượng nào cũng có hai mặt”

Trong tất cả các nguồn năng lượng sản xuất điện hiện nay, điện mặt trời là nguồn năng lượng "sạch" nhất, cho khả năng ứng dụng và hiệu quả phát điện lớn nhất trong các nguồn năng lượng mới và tái tạo. Nhưng dù là nguồn điện nào thì cũng có hai mặt, đi cùng với những lợi thế là những tồn tại, vì vậy cần phải được xử lý để hạn chế tới mức thấp nhất có thể.

Những tấm pin điện mặt trời gần giống như các thiết bị điện tử, nếu xử lý không tốt thì sẽ gây những vấn đề về môi trường, nhưng trong quá trình vận hành thì các tác động là rất ít.

Hiện nay, có đủ những công nghệ để xử lý các loại vật liệu thải, trong đó đặc biệt là các linh kiện, phần tử từ các thiết bị điện tử thải ra, trong đó có pin điện mặt trời.

Ông Trần Viết Ngãi

Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam:

“Có thể tái sử dụng những tấm pin điện mặt trời khi hết hạn”

Tuổi thọ của các tấm pin năng lượng mặt trời là khá dài (từ 15-20 năm), theo đó việc phát triển công nghệ trong tương lai sẽ cho những khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin mặt trời khi hết hạn. Trước mắt, chúng ta cần phải tính tới việc bảo trì, bảo dưỡng các sản phẩm này để nâng cao tuổi thọ những tấm pin năng lượng mặt trời hiện hữu.

PGS.TS Phạm Hoàng Lương

PGS. TS Phạm Hoàng Lương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội:

“Đánh giá chu trình vòng đời của công nghệ”

Việc lựa chọn công nghệ nói chung, công nghệ sản xuất năng lượng mặt trời nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả kinh tế, kỹ thuật từ công nghệ đó và quan trọng là phải “đánh giá chu trình vòng đời của công nghệ". Có như vậy mới đánh giá hết được những tác động môi trường mà công nghệ đó mang lại.

Chúng ta nói rằng việc sử dụng năng lượng mặt trời là hiệu quả so với các nguồn năng lượng truyền thống khác. Nhưng việc sản xuất những tấm pin mặt trời cần phải đánh giá được những tác động môi trường, đặc biệt là việc thu hồi các chất thải sau khi những tấm pin này hết hạn sử dụng. Việc này phải đặc biệt quan tâm và phải lượng hóa được những tác động môi trường để trên cơ sở đó đưa được những cơ chế chính sách, có những giải pháp tương đối phù hợp đặc biệt là đối với các nguồn năng lượng tái tạo.

Các nhà khoa học trong nước cũng đã triển khai một số nghiên cứu liên quan đến “chu trình vòng đời công nghệ” nhằm đánh giá toàn bộ hiệu quả cũng như những tác động môi trường từ việc sử dụng và khai thác công nghệ. Thực tế, nếu chỉ nhìn vào những tấm pin năng lượng mặt trời sẽ không thấy có phát thải CO2. Nhưng để sản xuất ra được những tấm pin ấy, phải cần nhiều nguồn nguyên vật liệu. Quá trình sản xuất nguyên vật liệu đó sẽ tác động đến môi trường.

Thế giới cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề xử lý khi thu hồi các tấm pin năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, các nhà khoa học, Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành cũng nên đặc biệt quan tâm nghiên cứu để ứng dụng trong điều kiện thực tế của Việt Nam.

Cùng với việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 xét tầm nhìn đến 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh) theo hướng tăng công suất các nguồn năng lượng tái tạo thay thế điện hạt nhân, việc ban hành cơ chế giá điện mặt trời (tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/4/2017) về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam (có hiệu lực từ tháng 6/2017) đã thực sự khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Tính đến hết tháng 7/2017, đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư với tổng công suất nguồn lên tới hơn 17.000 MW. Tính khả thi của các dự án được đánh giá là khá cao khi công nghệ sản xuất điện mặt trời ngày càng hiện đại, có khả năng hiện thực hóa các tiềm năng kỹ thuật thành tiềm năng kinh tế, thương mại.

 


  • 12/10/2017 08:39
  • Ngọc Tuấn (thực hiện)
  • 12742