10 bài học kinh doanh đắt giá nhất năm 2011

2011 quả là một năm nhiều khó khăn. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chập choạng, lúc sáng lúc tối, thì việc các doanh nghiệp đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt, những bước đi thiếu tự tin là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, sự sai lầm trong chiến lược kinh doanh bao giờ cũng đi kèm với một cái giá phải trả rất đắt, nhiều khi là cả “tính mạng” của doanh nghiệp. Vì vậy, cho dù hoàn cảnh thế nào, thì thận trọng vẫn là điều tối cần thiết.

10 bài học dưới đây do tạp chí danh tiếng Time bình chọn có thể xem là điển hình cho những chiến lược kinh doanh “lầm lỡ” nhất trong năm 2011. Bởi kèm theo sau đó là vô số hệ quả mà doanh nghiệp phải nai lưng gánh vác.

Nhập nhập, xuất xuất

Netflix - Thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực phim ảnh trực tuyến tại Mỹ

Netflix là thương hiệu “đầu đàn” trong lĩnh vực dịch vụ phim ảnh trực tuyến ở Mỹ, từng được người tiêu dùng không ngớt lời khen ngợi.

Tuy nhiên, vào tháng 7/2011, khi đối thủ Blockbuster lâm cảnh phá sản, Netflix đã tăng phí hàng tháng tối thiểu cho các dịch vụ thuê DVD lên 60%, từ 9,99 USD lên 15,98 USD. Công ty cố gắng thuyết phục khách hàng rằng, họ sẽ nhận được “giá trị tuyệt vời”. Tuy nhiên, nhiều khách hàng sau đó đã quay lưng lại với công ty này.

Để sửa chữa sai lầm, Giám đốc điều hành Netflix là Reed Hastings bất ngờ đưa ra một bức thư, trong đó tuyên bố rằng Netflix sẽ tách làm hai. Công ty mới được thành lập là Qwikster sẽ phụ trách mảng cho thuê DVD truyền thống của Netflix. Tuy nhiên, tuyên bố chia tách này đã khiến nhiều khách hàng cảm thấy khó chịu khi cho rằng việc sử dụng dịch vụ của Netflix trở nên phúc tạp hơn. Và một tháng sau đó, Hastings buộc phải hủy bỏ kế hoạch chia tách.

Với sai lầm trong chiến lược, Netflix đã mất ít nhất 800.000 khách hàng chỉ trong 3 tháng ngắn ngủi, cổ phiếu của công ty sụt giảm mạnh. Trong tháng 11 vừa qua, Netflix cho biết khả năng việc kinh doanh của hãng sẽ còn gặp khó khăn trong năm kế tiếp.

5 USD và 300.000 chữ ký phản đối

Cuối tháng 9/2011, ngân hàng Bank of America đã cho thấy họ thiếu hiểu biết về tình trạng của nước Mỹ như thế nào.

Ngân hàng này đã công bố một kế hoạch thu phí 5 USD/tháng đối với các khách hàng sử dụng thẻ ghi nợ (debit-card). Mức phí này được xem là một trong những lý do làm cuộc biểu tình “Chiếm Phố Wall” trở nên căng thẳng hơn. Nhiều người biểu tình đã tràn vào các chi nhánh của ngân hàng này trên khắp nước Mỹ bày tỏ sự phản đối kế hoạch thu phí.

Một bản kiến nghị trực tuyến phản đối quyết định của Bank of America do khách hàng 22 tuổi Molly Katchpole ở Washington D.C lập ra đã ngay lập tức nhận được 300.000 chữ ký ủng hộ của người dân Mỹ. Đích thân Tổng thống Obama cũng đã gọi mức phí 5 USD này là “một quyết định kinh doanh sai lầm”. Đầu tháng 11 vừa qua, Bank of America đã hủy bỏ quyết định trên, nhưng thiệt hại vẫn tiếp diễn.

Theo các quỹ tín dụng, chỉ trong vòng 1 tháng, họ đã nhận được khoảng 650.000 tài khoản chuyển sang từ Bank of America và các nhà băng lớn khác, tương đương với tổng số tài khoản mà họ có được trong năm 2010.

Chim đại bàng không làm nổi mùa xuân

Cuối tháng 10/2011, MF Global đã phải đệ đơn xin phá sản

Khi Jon Corzine, cựu Thống đốc bang New Jersey và là nguyên Chủ tịch ngân hàng Goldman Sachs, nắm quyền lãnh đạo hãng môi giới chứng khoán MF Global vào năm 2010, nhiều người nghĩ rằng cương vị này chưa xứng tầm với một nhà lãnh đạo nổi tiếng như Corzine.

Tuy nhiên, thực tế không đúng như vậy. Cuối tháng 10/2011, MF Global đã phải đệ đơn xin phá sản.

Điều tệ hại hơn, Corzine được xem là nguồn cơn chính dẫn doanh nghiệp này tới bước đường cùng. Corzine đã hướng công ty này thu mua 11,5 tỷ USD trái phiếu châu Âu, phần lớn trong số tiền đầu tư này là từ vay mượn mà có được. Và khi khủng hoảng tại Khu vực đồng Euro trở nên căng thẳng, giá trị của những giấy ghi nợ này sụt giảm mạnh, khiến MF Global rơi vào cảnh nợ chồng chất.

Tồi tệ hơn nữa là, để cố gắng giải quyết tình trạng tiền mặt bị "gặm nhấm", công ty này đã dùng tới tiền tài khoản của khách hàng. Theo báo cáo của Cục Điều tra Liên bang Mỹ, hơn 1 tỷ USD trong các tài khoản của khách hàng đã bị mất tích.

Đại gia công nghệ rã rời vì hacker

Bạn có nên tin rằng, một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới hoàn toàn có khả năng ngăn chặn tin tặc? Rõ ràng là không nên.

Trung tuần tháng 4 năm nay, Sony đã phải đóng cửa mạng lưới Playstation của họ, do bị nhóm tin tặc LulzSec tấn công. Đây là hệ thống cho phép khách hàng mua game và kết nối với các game thủ khác.

Vụ "hack" này kéo dài hơn một tháng, khiến Sony tối tăm mặt mũi và tiêu tốn gần 175 triệu USD cho việc khôi phục và nâng cấp mạng lưới game. Tệ hại hơn là, tin tặc còn truy cập vào thông tin các tài khoản người sử dụng và có thể đã “chôm” số thẻ tín dụng của 100 triệu khách hàng trên toàn cầu.

Điều đáng nản là, Sony đã khiến sự việc trở nên tồi tệ hơn khi lưu trữ mật mã người dùng và thông tin tài khoản ở định dạng không được mã hóa và điều này đã bị nhóm LulzSec “sung sướng” công khai.

Gian lận kế toán, giá trị bốc hơi

Vào tháng 7/2011, khi Groupon nộp đơn xin phép chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), doanh nghiệp bán hàng trực tuyến này công bố, trên cơ sở kết toán tài sản, hãng đạt lợi nhuận gần 82 triệu USD trong quý đầu năm. Nhưng thực tế, thì Groupon đã lỗ gần 100 triệu USD.

Tại sao lại như vậy? Kiểm tra ra thì các nhân viên kế toán của doanh nghiệp này đã bỏ sót gần 200 triệu USD chi phí quảng cáo.

Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ đã buộc Groupon phải tái nộp hồ sơ IPO vào tháng 8, trên cơ sở các tiêu chuẩn kế toán tiêu chuẩn. Và tới cuối tháng 9, Groupon cho biết hãng đang khởi động lại hoạt động tài chính để “khắc phục sai lầm”.

Tuy nhiên, những sai phạm trong kế toán đã tác động xấu đến IPO của công ty này. Hồi tháng 7, các chuyên gia dự đoán sau khi IPO, giá trị của Groupon sẽ tăng lên 20 tỷ USD, nhưng sau đợt IPO hồi đầu tháng 11 vừa qua, giá trị chỉ có 13 tỷ USD. Trong vòng 3 tuần giao dịch, giá cổ phiếu đã rớt xuống dưới mức chào bán 20 USD.

Dự báo trên mây và thất bại cay đắng

Paulson từ nhà đầu tư khôn ngoan nhất trở thành một trong những người dở nhất

Năm 2008, tỷ phú John Paulson được xem là một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất trong lịch sử khi đặt cược vào thị trường nhà đất. Vụ này đã mang lại cho Paulson và các nhà đầu tư của ông khoản tiền lên tới 20 tỷ USD.

Năm 2011, Paulson tiếp tục gây chú ý khi ông dự đoán nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh. Tuy nhiên, cho dù bạn không phải là một trong 14 triệu người thất nghiệp ở Mỹ, thì bạn cũng phải thừa nhận rằng, dự báo của Paulson sai bét.

Cũng trong năm 2011, Paulson đã lỗ lớn khi đầu tư vào công ty Trung Quốc có tên là  Sino-Forest chuyên về chế biến gỗ. Doanh nghiệp này từng là mục tiêu săn đuổi của các nhà đầu cơ gian lận. Tất cả những sai lầm này đã khiến cho một trong những quỹ đầu cơ lớn nhất của Paulsson bốc hơi giá trị 47%.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, Paulson từ nhà đầu tư khôn ngoan nhất trở thành một trong những người dở nhất chỉ sau có 3 năm.

Rò rỉ tin mật, quan hệ sang ngang

Đầu tháng Giêng, Goldman Sachs đã “ghé chân” vào một trong các thương vụ đình đám nhất của năm 2011 khi định cùng một quỹ đầu tư Nga, rót 500 triệu USD vào khối tài sản trị giá 50 tỷ USD của mạng xã hội Facebook.

Nguồn tài trợ này đã khiến cho Facebook được đánh giá cao hơn những người khổng lồ Internet khác như Yahoo, Ebay.. đồng thời cũng giúp Goldman ngồi vào vị trí quan trọng khi Facebook tiến hành IPO, với tư cách là nhà đầu tư tư nhân.

Tuy nhiên, hàng loạt chi tiết về thương vụ đã bị rò rỉ và tung lên trên mặt các báo. Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ đã vào cuộc điều tra Goldman về thương vụ trên và buộc ngân hàng này hủy bỏ các giao dịch với khách hàng Mỹ có liên quan, chỉ vào ngày sau Goldman có được những thỏa thuận giá trị với các khách hàng lớn. Và mối quan hệ giữa Facebook và Goldman cũng từ đó mà xấu dần.

TouchPad và cú sốc máy tính bảng

Mặc dù HP đã bán hết veo các sản phẩm máy tính bảng TouchPad, nhưng đó lại là bàn thua đậm của một trong những hàng công nghệ hàng đầu thế giới, vì HP đã phải đại hạ giá sản phẩm này mới có khách mua. HP có lẽ đã đạt được kỷ lục về sản xuất thiết bị di động có vòng đời ngắn nhất.

Vào tháng 6, HP bắt đầu bán ra máy tính bảng TouchPad, với kỳ vọng sẽ trở thành một đối thủ nặng ký trước iPad của Apple. 6 tuần sau đó là chuỗi ngày nặng nề với HP khi doanh số bán không đáng kể.

Và cuối cùng, hãng đã phải đi tới bước giảm giá kịch liệt để dọn kho, đồng thời tuyên bố rút khỏi mảng kinh doanh máy tính bảng. Sự thất vọng về TouchPad còn khiến hãng quyết định sa thải Giám đốc điều hành Leo Apotheker trong tháng 9 và thay thế bằng cựu Giám đốc điều hành eBay Meg Whitman.

Nỗi buồn của tỷ phú Buffett

Buffett bị chỉ trích vì đã giúp đỡ cho Sokol

Tháng 3/2011, David Sokol, người được xem là ứng viên hàng đầu sẽ thay thế tỷ phú Warren Buffett ngồi vào chức vị lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Berkshire Hathaway, đã buộc phải từ chức sau khi thừa nhận ông đã mua cổ phiếu của hãng hóa chất Lubrizol chỉ hai tháng trước khi công ty này bị Berkshire mua lại.

Ủy ban kiểm toán của Berkshire đã công bố một báo cáo, trong đó kết luận rằng Sokol đã phá vỡ các quy định của công ty và lừa dối các viên chức Berkshire về số cổ phần của Sokol trong Lubrizol.

Vụ việc đã làm ảnh hưởng lớn tới uy tín của tỷ phú Buffett. Ông bị chỉ trích vì đã giúp đỡ cho Sokol. Tiếp đó, Berkshire cho biết họ có thể xem xét kiện Sokol ra tòa vì những vi phạm, còn Buffett thừa nhận ông có thể giải quyết tốt hơn với tình huống đó.

AT&T và “ảo vọng” thâu tóm T-Mobile

Những nỗ lực thu mua T-Mobile của nhà mạng AT&T rất có thể sẽ trở thành công cốc.

Cuối tháng 11 vừa qua, AT&T đã rút đơn xin sáp nhập tại Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) nhưng vẫn sẽ tìm kiếm sự chấp thuận đối với thỏa thuận này trong một phiên tòa với Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ).

Trước đó, Bộ Tư Pháp đã đệ đơn kiện lên tòa án, nhằm ngăn chặn thương vụ thâu tóm hãng viễn thông T-Mobile của AT&T, do cho rằng thỏa thuận này nếu được chấp thuận sẽ làm giảm bớt sự cạnh tranh trên thị trường viễn thông Mỹ. Theo Bộ Tư Pháp, thương vụ này cần phải bị xếp vào diện "vi phạm đạo luật chống độc quyền".

Theo giới phân tích, kế hoạch thu mua T-Mobile sẽ thất bại hoàn toàn, cho dù đại diện của AT&T và Deutsche Telekom đều cho biết vẫn đang trong quá trình thương thảo. Deutsche Telekom cho biết hãng này và AT&T sẽ cố gắng nhận được sự chấp thuận của Bộ Tư Pháp. Nếu thành công, họ sẽ tiếp tục thuyết phục để nhận được sự thông qua của FCC. Hiện Verizon đang nắm giữ thị phần lớn nhất trong thị trường mạng không dây của Mỹ, với 31%, đứng các vị trí tiếp theo là AT&T (27%), Sprint Nextel (14%) và T-Mobile (9%). Như vậy, nếu thương vụ mua bán trên thành công, AT&T sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ không dây lớn nhất nước Mỹ.


  • 20/02/2012 05:35
  • Theo vneconomy.vn
  • 2290


Gửi nhận xét