20 phẩm chất làm nên nhà lãnh đạo lớn

Khoa học và thực tiễn đã chứng minh, trở thành lãnh đạo không phải một định mệnh. Một người có thể được sắp xếp để ngồi vào chiếc ghế “số 1”, nhưng việc người đó có ngồi được và có vững được trên chiếc ghế đó không phụ thuộc gần như hoàn toàn vào chính họ.

Ảnh minh hoạ.

Qua chia sẻ những trải nghiệm và kinh nghiệm của chính những “người trong cuộc”, bạn sẽ thấy rằng nếu tích lũy đủ, hoặc càng nhiều càng tốt, những phẩm chất dưới đây, dù không được “sắp xếp”, bạn vẫn hoàn toàn có khả năng trở thành lãnh đạo của một tổ chức, doanh nghiệp, và thành công trong vai trò đó.

1. Tập trung

Tim Ferriss - tác giả sách bán chạy nhất, người dẫn chương trình The Tim Ferriss Show: “Người ta nói lãnh đạo là người đưa ra những quyết định quan trọng, bất chấp việc chúng có thể khiến nhiều người không thỏa mãn. Đó chắc chắn chỉ là một phần của sự thật, nhưng theo tôi nó đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tập trung. Để làm một người lãnh đạo giỏi, bạn không thể chỉ làm tốt những việc nhỏ nhặt, và bạn cần giữ mình ít bị phân tâm hơn những người khác. Để hoàn thành những việc quan trọng, bạn phải tự tạo cho mình thái độ phớt lờ một cách có chọn lọc. Nếu không, sự tầm thường sẽ dìm chết bạn”.

2. Tự tin

Barri Rafferty - CEO Ketchum North America: “Nhà lãnh đạo phải tự tin và trở thành chỗ dựa tin cậy của những người khác nhờ khả năng nhìn xa trông rộng và sự đồng cảm. Là một nữ lãnh đạo, để có thể khiến người ta chú ý đến mình, tôi thấy tôi càng cần phải thể hiện sự quyết đoán, nhưng đồng thời vẫn giữ được đặc điểm của người gốc miền Nam của mình, đó là tốt bụng và biết cảm thông. Hai yếu tố đó kết hợp hoàn hảo với nhau sẽ mang lại sự tôn trọng từ những người xung quanh”.

3. Minh bạch

Keri Potts - Giám đốc cấp cao mảng Quan hệ công chúng của ESP: “Tôi chưa bao giờ ủng hộ ý tưởng phải tạo ra một chiếc ‘mặt nạ’ cho riêng mình. Là một lãnh đạo, cách duy nhất mà tôi biết để mang lại niềm tin cho đội nhóm và đồng nghiệp của mình đó là cứ là con người thật 100% của tôi - cởi mở, có đôi lúc phạm lỗi, nhưng luôn nhiệt tình trong công việc. Điều này cho phép tôi đóng góp năng lực một cách toàn diện nhất và duy trì sự ổn định. Mọi người xung quanh luôn biết rõ họ có thể trông đợi gì từ tôi. Không có bất cứ một bất ngờ nào cả”.

4. Chính trực

Gunnar Lovelace - đồng sáng lập, đồng CEO Thrive Market: “Nhân viên của chúng ta sẽ phản ánh đúng những giá trị mà chúng ta trân trọng ở vị trí người lãnh đạo. Nếu chúng ta chỉ làm theo cái luật lệ lỗi thời là trở thành người nói đúng thay vì làm những việc đúng đắn và cần thiết, thì có nghĩa là chúng ta đang tự giới hạn tiềm năng của doanh nghiệp mình và để vụt khỏi tầm tay những cơ hội. Nếu bạn có thể tập trung vào việc trở nên chính trực trong mọi mối quan hệ, nó sẽ được phản ánh trong hình ảnh và văn hóa doanh nghiệp của bạn, phần còn lại sẽ tự khắc đâu vào đấy”.

5. Tìm cảm hứng

Arnold Schwarzenegger - cựu Thống đốc bang California: “Mọi người bảo rằng tôi sinh ra là để cho vị trí lãnh đạo. Thế nhưng làm gì có việc như vậy. Không có ai sinh ra là để trở thành lãnh đạo ngay lập tức, họ được truyền cảm hứng để lãnh đạo. Tôi chuyển tới Mỹ với bàn tay trắng, tài sản không có gì ngoài chiếc túi gym dùng để đựng đồ, thế nhưng tôi sẽ không nói rằng khi ấy mình chẳng có gì giá trị. Nhiều người đã cho tôi niềm cảm hứng to lớn và những lời khuyên tuyệt vời, và tôi bị thúc đẩy bởi niềm tin vào bản thân, cùng lòng nhiệt huyết và quyết tâm mãnh liệt. Vì thế tôi luôn sẵn sàng truyền cảm hứng cho mọi người - bạn bè và cả những người không quen biết. Tôi hiểu rõ sức mạnh của niềm cảm hứng, và nếu người nào cần đứng trên đôi vai của tôi để đạt đến sự vĩ đại, tôi sẵn sàng giúp đỡ họ vươn lên”.

6. Có đam mê 

Joe Perez - đồng sáng lập Tastemade: “Bạn phải yêu thích công việc bạn làm. Để thật sự thành công trong một việc gì đó, bạn phải theo đuổi nó đến cùng và cho phép nó chiếm lấy tâm trí bạn. Không quan trọng việc doanh nghiệp bạn thành công đến cỡ nào, bạn phải không bao giờ thỏa mãn và luôn thúc đẩy bản thân một cách không ngừng nghỉ, tiến tới một thành quả tốt hơn, tuyệt vời hơn và vĩ đại hơn. Bạn lãnh đạo bằng cách hành động không phải vì bạn nghĩ rằng mình cần phải làm như vậy mà là bởi vì đó là cách sống của bạn”.

7. Đổi mới 

Aubrey Marcus - nhà sáng lập Onni: “Trong bất kỳ hệ thống nào với nguồn tài nguyên giới hạn và nguồn nhân lực liên tục nhân rộng, sự đổi mới là đặc biệt cần thiết, không những cho sự phát triển mà còn cho sự tồn tại của hệ thống đó. Những người dám đổi mới chính là nhà lãnh đạo. Bạn không thể tách rời hai cá thể này. Không quan trọng là bằng suy nghĩ, công nghệ, hay tổ chức, sự đổi mới là niềm hy vọng duy nhất có thể giúp ta giải quyết những trở ngại, khó khăn trong tương lai”.

8. Kiên nhẫn

Dan Brian - COO WhipClip: “Sự kiên nhẫn thực chất là lòng can đảm được đem ra thử nghiệm để xác định độ cam kết mà bạn dành cho mục tiêu. Con đường dẫn tới thành công bao giờ cũng khó khăn, nhưng những người lãnh đạo giỏi luôn hiểu được khi nào thì cần từ bỏ một mục tiêu và khi nào phải quyết tâm đi trên con đường đã lựa chọn. Nếu tầm nhìn của bạn đủ rộng, bạn sẽ thấy rằng có hàng trăm cái cớ để nói rằng “mục tiêu này không thể thực hiện được” và rất nhiều người sẽ nghi ngờ bạn. Bạn cần tỉnh táo kết hợp nhiều thứ lại với nhau - mở rộng thị trường, những mối cạnh tranh, tài chính, nhu cầu khách hàng, và tất nhiên là cả may mắn nữa - để có thể tạo nên một điều gì đó kỳ diệu”.

9. Khả năng chịu đựng

Ryan Holiday - tác giả cuốn “The Obstacle is the Way” và cựu Giám đốc marketing American Apparel: “Chúng ta chắc chắn sẽ bị vướng vào những tình huống khó khăn, có thể là một lỗi lầm trong vấn đề chi tiêu làm ảnh hưởng nặng nề tới ngân sách, là một thất bại không thể lường trước, hay gặp những đối thủ vô đạo đức. Khả năng chịu đựng, đúng như cái tên của nó, chính là khả năng chấp nhận và biết trước rằng những việc như vậy có thể xảy ra, để không bị hoảng hốt, phản ứng theo cảm tính và làm rối mọi việc hơn nữa. Chúng ta cần tự huấn luyện trí lực, cân nhắc mọi tình huống xấu nhất và điều chỉnh những phản ứng bản năng vô ích - đó là cách để chúng ta đảm bảo những tình huống khó khăn kia không ảnh hưởng tới bất cứ quyết định nghiêm trọng nào”.

10. Kiên định

Jeremy Bloom - đồng sáng lập và CEO Integrate: “Bắt chước là một trong những cách thể hiện tinh thần học hỏi tốt nhất, nhưng ta không nên áp dụng nó trong việc lãnh đạo. Mọi người lãnh đạo giỏi đều có nét đặc trưng riêng của mình. Học hỏi từ những người khác, đọc tiểu sử của những cá nhân mà bạn ngưỡng mộ, gom góp kỹ năng từ mọi nơi…, nhưng đừng bao giờ bỏ qua tiếng nói của chính mình. Hãy bảo vệ ý kiến riêng, và cả lý do mà bạn đưa ra quyết định”.

11. Sẵn sàng tiếp thu

Daymond John - CEO Shark Branding and FUBU: “Một trong những lời đồn phổ biến nhất là mọi doanh nhân lãnh đạo giỏi đều là những người nhìn xa trông rộng với độ quyết tâm mãnh liệt bám đuổi mục tiêu bằng bất cứ giá nào. Thật vớ vẩn! Sự thật là, người lãnh đạo cần có cái nhìn phóng khoáng, hành động mềm dẻo, và thay đổi khi cần thiết. Khi một công ty đang còn trong giai đoạn startup, người ta quá quan trọng hóa việc lên kế hoạch và tạo dựng một mục tiêu chắc chắn. Mối cam kết của bạn phải là vào việc đầu tư, phát triển, và duy trì các mối quan hệ tốt”.

12. Quyết đoán

Scott Hoffman - Giám đốc Folio Literary Management: “Thời phổ thông và đại học, để kiếm tiền, tôi thường làm trọng tài cho những trận bóng rổ giải trí. Người hướng dẫn của tôi cho các học trò của ông ấy một lời khuyên mà tôi cho rằng cũng rất hữu dụng trong môi trường làm việc chuyên nghiệp: ‘Hãy ra quyết định nhanh, hét quyết định đó lên to nhất có thể, và không bao giờ ngoảnh đầu lại’. Trong những tình huống éo le, một quyết định sai nhưng quyết đoán thường mang lại kết quả tốt hơn và đội nhóm vững mạnh hơn về lâu dài, hơn là quyết định nửa vời dù sau đó có được chứng minh là đúng”.

13. Hòa đồng

Lewis Howes - tác giả sách bán chạy nhất “The School of Greatness” do New York Times bình chọn: “Mỗi người chúng ta đều mang lại một điều gì đó cho thế giới, và chúng ta cũng có khả năng nhanh chóng đánh hơi được một người giả tạo. Bạn càng đề cao mối liên kết chân thật giữa người với người, tìm cách giúp đỡ người khác khi có thể - thay vì chỉ quan tâm đến việc họ có thể giúp gì cho bạn - hình ảnh của bạn trong mắt mọi người sẽ càng trở nên đẹp đẽ và bạn sẽ trở nên gần gũi với họ hơn. Điều này không chắc chắn giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, nhưng nó cần thiết để trở thành một lãnh đạo được kính trọng, thứ sẽ tạo nên khác biệt cho doanh nghiệp bạn”.

14. Phân chia công việc và quyền lực

Shannon Pappas, Phó chủ tịch cấp cao Beachbody LIVE: “Phần lớn các triết lý lãnh đạo của tôi có được từ kinh nghiệm làm vận động viên thể thao. Đội nhóm thành công nhất của tôi không phải lúc nào cũng là nhờ có được những tài năng giỏi nhất, mà nhờ có một sự kết hợp kỹ năng, điểm mạnh, và sự tin tưởng lẫn nhau hoàn hảo từ các thành viên. Để xây dựng một đội nhóm có động lực tiến lên, bạn cần ủy nhiệm trách nhiệm và quyền lực. Phân công nghĩa vụ không phải dễ dàng. Điều này có khi còn khó hơn là tự bản thân thực hiện mọi thứ, nhưng với lựa chọn dự án đúng đắn và sự ủng hộ của đội nhóm, sự ủy nhiệm sẽ khiến mọi thứ tiến hành trơn tru hơn. Đó là cách để bạn tìm hiểu và nắm rõ khả năng của đồng đội mình và thúc đẩy năng suất làm việc của họ lên mức cao nhất”.

15. Lạc quan

Jason Harris - CEO Mekanism: “Để có thể vươn tới những điều to lớn, bạn cần tạo ra một văn hóa lạc quan. Con đường tới thành công có nhiều thăng trầm, nhưng sự lạc quan sẽ giúp doanh nghiệp tiếp tục tiến lên phía trước. Hãy lưu ý: Bạn cần phải thật sự gan dạ. Bạn phải thật sự tin vào khả năng biến điều không thể thành có thể”.

16. Kiên trì

Noah Kagan - Chief Sumo, appsumo: “Một nhà lãnh đạo giỏi từng nói với tôi, ‘Tính bền bỉ luôn luôn đánh bại sự chống cự’. Và sau khi làm việc tại cả Facebook, Intel, Microsoft và tự thành lập công ty riêng, tôi đã học được hai bài học quan trọng: Mọi thứ vĩ đại đều cần thời gian mới có thể tạo dựng lên được, và bạn cần kiên trì theo đuổi chúng bằng bất cứ giá nào. Đó là bước tiến cần thiết để trở thành nhà lãnh đạo giỏi: sẵn sàng tiếp tục tiến về phía trước tại nơi mà những người khác đã chấp nhận dừng chân”.

17. Sáng suốt

Raj Bhakta - nhà sáng lập WhistlePig Whiskey: “Một cái nhìn sáng suốt bao giờ cũng cần thiết, giúp bạn tách biệt những điều thật sự quan trọng từ tất thảy thứ đang xảy ra xung quanh bạn. Nó cũng giống như là sự khôn ngoan - bạn có thể cải thiện nó theo thời gian, nhưng nó phải ăn sâu vào tâm trí bạn. Nó là một thứ cố định mà bạn vốn phải có. Nếu sự sáng suốt của bạn đúng, bạn sẽ trông giống như một thiên tài vậy. Và nếu sự sáng suốt ấy sai, bạn sẽ trông như một kẻ ngốc”.

18. Khả năng giao tiếp

Kim Kurlanchik Russen - cộng sự TAO Group: “Nếu người khác không biết được những dự định của bạn, và không thể đáp ứng đúng nhu cầu cho bạn, đó là lỗi của bạn vì đã không diễn tả được hết ý cho họ. Những người mà tôi làm việc cùng luôn luôn trong trạng thái giao tiếp, có khi đến nhức cả đầu. Nhưng giao tiếp là một hoạt động cần thiết cho sự cân bằng. Có thể bạn có một mong muốn, nhu cầu cụ thể nào đó, nhưng để thực hiện nó thì sự hợp tác là đặc biệt cần thiết và quan trọng. Chúng tôi luôn khuyến khích nhân viên chia sẻ suy nghĩ và ý tưởng cá nhân - đó là lý do mà chúng tôi có được những người tài năng làm việc cho mình”.

19. Nhận trách nhiệm

Sandra Carreon-John - Phó chủ tịch cấp cao M&C Saatchi Sport & Entertainment: “Đổ thừa lỗi lầm chắc chắn là dễ hơn nhiều việc tự nhận trách nhiệm. Nhưng nếu bạn muốn biết cách để chịu trách nhiệm một cách đúng đắn, hãy học hỏi chuyên gia tài chính Larry Robbins. Ông viết một lá thư với sự khiêm tốn chân thành gửi cho những nhà đầu tư của mình, nhận lỗi về những đánh giá sai lầm của mình đã khiến cho khoản đầu tư của họ bị lãng phí. Sau đó ông cho tạo ra một khoản quỹ mới, hoàn toàn không có luật lệ quản lý và lệ phí thực hiện - chưa từng có trên thế giới - đó là hedge fund. Đây mới đúng là một hành động chuẩn mực. Đây chính là cách nhận trách nhiệm. Không chỉ là nhận lỗi lầm suông, mà còn phải tiến hành bước kế tiếp để sửa chữa những sai sót đó”.

20. Mở rộng tìm kiếm

Nick Woolery - Giám đốc Marketing toàn cầu Stance Socks: “Một lãnh đạo thực sự giỏi là người có khả năng tìm ra điểm mạnh ẩn sau mỗi cá nhân trong đội nhóm, và sau đó mở rộng tầm nhìn, tìm kiếm những thứ có thể liên kết mọi người lại. Nên biết rằng chỉ những cá nhân trong một nhóm sẽ không thể mang lại đáp án cho mọi thứ, bởi vì nếu bạn nghĩ mình đã có đủ câu trả lời, có nghĩa là bạn vẫn chưa hỏi hết những câu hỏi cần thiết”.

Link gốc.


  • 19/01/2022 02:53
  • Nguồn: https://doanhnhansaigon.vn/
  • 747