Xin chữ đầu năm từ lâu đã là nét đẹp văn hóa của người Việt. Nguồn ảnh: Internet
|
Tiễn ông Công, ông Táo về trời
Theo truyền thuyết, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núp. Ông Công, ông Táo được Ngọc hoàng Thượng đế phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm thiện - ác của loài người. Cứ vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để định đoạt công, tội.
Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công – ông Táo là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Với mong muốn gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp các gia đình lại làm lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo lên chầu trời một cách long trọng.
Bày mâm ngũ quả
Dịp Tết, trong mỗi gia đình người Việt không thể thiếu mâm ngũ quả trên bàn thờ ông bà, tổ tiên. Thông qua tên gọi của năm loại trái cây, mỗi gia đình đều gửi gắm vào đó những mong muốn khác nhau cho năm mới. Người phương Đông thường tin vào thuyết Ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.
Đây cũng là 5 yếu tố tạo nên vạn vật theo thuyết duy vật cổ đại, nên 5 loại quả tượng trưng cho sự đầy đủ và thể hiện ước muốn đạt được ngũ phúc lâm môn. Do điều kiện địa lý tự nhiên của người Việt có sự khác biệt và thay đổi theo vùng miền, nên mâm ngũ quả cũng được trình bày với các loại quả và hình thức khác nhau.
Cúng giao thừa
Giao thừa là thời khắc mà trời đất giao hòa, âm dương hòa quyện. Đối với người Việt Nam phút giao thừa rất thiêng liêng và trang trọng. Lễ cúng Giao thừa được cử hành khi kết thúc giờ Hợi ngày 30, sang giờ Tý mở đầu ngày mùng một Tết. Theo phong tục, tại thời điểm Giao thừa, nhà nhà đều cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà. Lễ Giao thừa hay còn gọi là Lễ trừ tịch bao hàm một ý nghĩa trọng đại “tống cựu nghinh tân”, nên được cử hành rất trịnh trọng trong mỗi gia đình người Việt.
Ý nghĩa của lễ này còn bao gồm việc đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới. Sau khi các nghi lễ cúng Giao thừa hoàn tất, mọi người trong gia đình cùng nhau xum vầy đón mừng năm mới.
Lì xì đầu năm
Những phong bao đỏ thắm mang theo lời chúc bình an và hạnh phúc. Lì xì đầu năm nhằm mong muốn gắn kết mọi người với nhau hơn, hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp nhiều may mắn. Phong bao lì xì là tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, để tránh dẫn đến những xích mích. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt một năm. Hơn nữa, phong bao lì xì còn tượng trưng cho tài lộc, nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì sẽ đem lại hạnh phúc và tài lộc trong suốt cả năm.
Tục xông đất đầu năm
Theo quan niệm truyền thống, mọi việc diễn ra trong ngày mùng 1 Tết đều có thể sẽ ảnh hưởng đến cả năm mới. Nếu ngày đầu năm mới mọi chuyện suôn sẻ thì cả năm sẽ được an lành, nhiều điều may mắn, vạn sự như ý và ngược lại. Do đó, tục xông đất, xuất hành, những cử chỉ đầu tiên, những lời nói đầu năm là điều mà ai cũng phải cẩn trọng, chú ý.
Theo quan niệm truyền thống, sau thời điểm giao thừa thì người nào bước vào nhà của gia chủ đầu tiên cùng với lời chúc mừng năm mới thì đó là người xông đất. Thông thường gia chủ sẽ có ý định mời người nào đó xông đất cho nhà mình. Người được mời xông đất sẽ được gia chủ sẽ dựa vào sức khỏe, đức tài, sự thành đạt… Tục xông đất thể hiện tinh thần hướng đến những điều tốt lành, may mắn và cầu mong một năm mới mọi sự đều thuận lợi cho các thành viên trong gia đình.
Đi lễ chùa đầu năm
Ngoài tục lệ cúng gia tiên, mọi người thường tìm đến các đền, chùa để cầu phúc, cầu may. Cửa chùa đất Phật là chốn bình yên, thanh tịnh, mong muốn tìm được sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong những may mắn, hạnh phúc trong năm mới.
Hái lộc
Hái lộc đầu năm là phong tục bẻ cành cây (cành lộc) mang về nhà để lấy may mắn, trong những ngày đầu năm mới. Cành lộc được mang về, treo trước hiên nhà hoặc cắm vào bình hoa, treo ở gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma quỷ, hay có ý báo là đã rước phúc lộc về nhà. Trong ngày Tết thường thấy nhiều người đi chùa, đền hái lộc bởi hái lộc ở nơi đền chùa linh thiêng mang ngụ ý xin được hưởng chút lộc của thần, phật ban cho để cả năm thuận lợi.
Xin chữ đầu xuân
Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà. Xin chữ cũng là phong tục tốt đẹp thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt.