Dù bạn làm công việc gì, ở cấp bậc nào thì gây ấn tượng tích cực với người khác cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho bạn. Gây ấn tượng ở đây nghĩa là hiểu được điều gì khiến cho những người xung quanh có thiện cảm. Và những gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn làm được điều đó.
1. Tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác
Người ta rất dễ bị thu hút vì sự đồng cảm. Trên thực tế, nghiên cứu đã chứng minh rằng sự đồng cảm là yếu tố hàng đầu thúc đẩy năng suất làm việc của toàn doanh nghiệp.
Sự đồng cảm bắt đầu ở chỗ nghĩ về hoàn cảnh của người khác, hiểu được nỗi đau và phiền toái của họ. Nhờ thế bạn có được cái nhìn toàn cảnh, và giúp bạn cởi mở trong việc giúp đỡ người khác.
2. Giúp đỡ người khác bằng những việc nho nhỏ
Đó là những việc nhỏ nhặt bạn làm cho người khác mà không mong được đền đáp. Ví dụ như chia sẻ kiến thức, giới thiệu người này với người kia, hay khen ngợi một ai đó trên LinkedIn.
Theo Adam Grant, tác giả của cuốn sách “Give and Take” (Cho và nhận), thì khi làm vậy bạn sẽ lan tỏa được tinh thần giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, và đến một lúc nào đó bạn sẽ là người được giúp đỡ.
3. Lựa chọn một lối sống vui vẻ
Có ai lại không muốn ở gần một người luôn vui vẻ chứ? Và đây cũng là một lựa chọn mà ta có thể đưa ra hàng ngày vì nó mang lại lợi ích về tinh thần rất lớn.
Theo nghiên cứu của Wataru Sato ở đại học Kyoto, khi bạn lựa chọn những hành vi tích cực (như ngồi thiền hay tha thứ cho người khác), bạn nắm giữ chìa khóa để kích hoạt lại một bộ phận trong não được gọi là tiểu thùy tứ giác. Nhờ đó, bạn có thể kiểm soát được cảm giác viên mãn, mục đích và niềm vui của mình.
4. Lắng nghe lời khuyên và học hỏi từ người khác
Hãy tưởng tượng hay nhớ lại: Bạn cho rằng một ý tưởng nào đó của mình là “cực kỳ đúng đắn” và là “cách duy nhất”, nhưng sau đó mới nhận ra rằng bạn hoàn toàn sai. Thay vì làm mọi việc một mình, hãy hỏi ý kiến và xin lời khuyên từ người khác. Chính điều này sẽ tạo ra những cuộc hội thoại tuyệt vời – biết được những gì người khác đang làm, họ làm như thế nào và đâu là mục đích của họ.
Con người nhìn chung rất thích tự nói về mình, nên bạn không phải lo lắng khi đưa ra lời đề nghị khiêm tốn: “Tôi muốn được học hỏi thêm”. Đó là cách tốt nhất để gây dựng quan hệ và lòng tin vì nó cho thấy bạn biết nhún nhường – một phẩm chất lãnh đạo cần thiết để gây ảnh hưởng đối với người khác.
5. Nói bằng giọng điệu tích cực
Hãy học theo những đồng nghiệp được cho là luôn vui vẻ và tích cực. Bạn có để ý đến cách họ nói chuyện không? Hầu hết họ đều tránh dùng những từ, câu hay chủ đề trò chuyện tiêu cực hoặc gây chia rẽ (chính trị hay tôn giáo chẳng hạn). Họ tránh xa những thị phi không cần thiết, những lời đơm đặt ác ý và những xung đột không đâu.
Khi bạn có mặt và luôn ở trong trạng thái tích cực, hãy đưa ra những ý kiến tích cực để truyền cảm hứng cho người khác hoặc ít ra là khiến người ta thoải mái. Nhờ vậy bạn sẽ tạo được niềm tin với người khác và tạo ra chính hạnh phúc cho bạn.
6. Đặt người khác vào tâm điểm chú ý
Sẽ có một điều kỳ diệu xảy ra khi bạn để người khác nói về bản thân họ, cuộc sống của họ, và điều gì quan trọng với họ. Họ tôn trọng bạn và khi đến lượt mình, họ sẽ rất tò mò muốn biết về bạn. Khi chúng ta chiếu ánh sáng chú ý vào một ai đó và để họ được chú ý, được lắng nghe, và được coi là đặc biệt – ta cũng có cảm giác thật thoải mái. Điều này mang lại cho ta sự tin tưởng bình lặng rằng sự chú ý rồi cũng sẽ đến với chúng ta.
7. Xem xét cả hai mặt của vấn đề
Chúng ta gọi đó là sự tự ý thức, tức là nhìn cả hai mặt của vấn đề bằng cách sử dụng cảm xúc của mình và cả của người khác để có được sự đánh giá chính xác nhất. Nhìn sự việc qua những lăng kính khác giúp ta có những phản ứng thích hợp trong mọi hoàn cảnh thay vì phản ứng theo một cách thái quá hoặc bốc đồng với người khác. Nhờ chuyển hướng những suy nghĩ tiêu cực và tập trung vào những thứ tích cực hơn, bạn sẽ thấy các mối quan hệ mở rộng ra và tốt đẹp hơn rất nhiều.
8. Biết cách lắng nghe để hiểu được người khác
Với công nghệ và mạng xã hội tràn vào cuộc sống, chúng ta đang mất dần cơ hội cải thiện khả năng lắng nghe của mình, và ít nhận thấy tác dụng của nó đối với công việc như một lợi thế cạnh tranh.
Khi bạn hình thành các quan hệ công việc, hãy chủ động lắng nghe bằng cách cố gắng hiểu điều gì đang diễn ra; để trực giác của mình lắng nghe câu chuyện của người khác, đào sâu vào nhiều tầng nghĩa của các cuộc trò chuyện, nghĩa là tìm hiểu xem nhu cầu thực sự của người ta là gì. Tất cả nên dùng để trả lời một câu hỏi: Làm thế nào để mình giúp được người này?