8 cử chỉ tuyệt đối nên tránh nơi công sở

Đừng đánh giá thấp ý nghĩa của cử chỉ, bởi hành động chiếm tới 55% trong thể hiện nội dung giao tiếp.

Mặt mũi căng thẳng

Một số người không cười không có nghĩa là họ khó chịu hay không hài lòng. Tuy nhiên vẻ mặt lại nói lên điều đó.   

Bạn hãy luôn mỉm cười khi bước vào một cuộc họp, hay khi nói chuyện điện thoại. Mọi người thường muốn giao tiếp với những người vui vẻ, tự tin. Mỉm cười cũng chính là cách làm giảm stress và khiến bạn hạnh phúc hơn.

Bắt tay hời hợt

Cách bắt tay khi giao tiếp rất quan trọng. Bạn nên có một tư thế đĩnh đạc, bắt tay không quá lỏng hoặc quá chặt, đồng thời nhìn thẳng vào mắt người đó. Điều này sẽ mang lại cảm giác tin tưởng cho đối tác. 

Một cái bắt tay hời hợt, lỏng lẻo sẽ dễ khiến người kia suy diễn nhiều điều về bạn.

Cử chỉ khi nói

Cùng với bắt tay, động tác cũng đóng vai trò quan trọng trong khi giao tiếp, có thể góp phần làm nội dung câu chuyện trở nên sinh động hơn, hay khiến đối tác mất tập trung vào điều bạn đang nói. Nếu bạn khoa chân múa tay quá nhiều, đối tác có thể nghĩ rằng bạn không chuyên nghiệp.

Mặc dù vậy, ngôn ngữ cử chỉ là rất quan trọng khi giao tiếp, khiến người khác chú ý lắng nghe hơn. 

Không nhìn thẳng 

Khi phỏng vấn xin việc, ai cũng biết rằng nhìn thẳng vào mắt người phỏng vấn là một việc rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều người quên mất điều này nơi công sở. Bạn không nên nhìn chằm chằm vào người đối diện, nhưng cũng không nhìn đi chỗ khác một cách quá nhanh chóng.

Khi có người nói chuyện với bạn, hãy nhìn vào mắt họ chứ đừng nhìn vào điện thoại hay máy tính. Giao tiếp bằng mắt giúp kết nối với mọi người và xây dựng lòng tin.

Cử chỉ lóng ngóng

Ai cũng có lúc rơi vào tình huống không hề dễ chịu hoặc hồi hộp lo lắng. Khi đó, người ta thường có các hành động như bẻ ngón tay, gõ gõ ngón tay, dùng tay xoắn lọn tóc, cắn móng tay, cắn môi, hay cắn bút chì.

Nếu bạn có những hành động này thì bạn cũng thể hiện điều tương tự, đó là bạn không tự tin, hoặc không đáng tin trong một tình huống căng thẳng. 

Hãy cố gắng thả lỏng bằng cách hít thở thật sâu, nghĩ tới một điều gì đó hoặc cầm lấy một đồ vật nào đó khiến bạn cảm thấy thoải mái.

Đứng quá gần hoặc quá xa

Đầu tiên, hãy luôn chú ý vào câu chuyện để tỏ sự quan tâm. Bạn cũng nên giữ một khoảng cách vừa đủ giữa mình và đồng nghiệp khi nói chuyện.

Nếu đứng quá gần, bạn sẽ bị coi là hung hăng hoặc thiếu tế nhị, còn nếu quá xa thì bạn sẽ bị nghĩ là không để tâm đến cuộc nói chuyện. 

Hãy lịch thiệp suốt cuộc nói chuyện. Dù chỗ làm việc có thoải mái thế nào đi nữa, dựa vào tường, vào đồ đạc sẽ khiến người khác nghĩ rằng bạn quá thoải mái và không nghiêm túc trong công việc.

Liếc nhìn đồng hồ, điện thoại

Trừ khi công việc đòi hỏi bạn phải kiểm tra điện thoại thường xuyên, hãy tôn trọng đồng nghiệp bằng cách không nhìn vào điện thoại. Tương tự như vậy, nhìn vào đồng hồ thể hiện rằng bạn đang thấy ngao ngán, chán nản, hoặc đơn giản là thô lỗ, không tôn trọng người đối diện. Những cử chỉ này tuyệt đối nên tránh nơi công sở.

Khoanh tay

Nói chuyện mà khoanh tay cho thấy có vẻ như bạn đang thủ thế. Cử chỉ này khiến bạn trở nên xa cách và đối đầu.

Nếu bạn cảm thấy thất bại khi giao tiếp, có thể đó chính là lúc bạn nên nhìn lại xem hành động, cử chỉ của mình nói lên điều gì.


  • 22/01/2018 09:44
  • Nguồn: Tuổi trẻ
  • 1897