Ba phong cách lãnh đạo của thế kỷ XXI: Chọn một hay sử dụng linh hoạt?

Với các nhà lãnh đạo tài năng, họ xây dựng cho bản thân một phong cách chủ đạo nhưng vẫn sử dụng các phong cách còn lại một cách linh hoạt. Ngược lại, các nhà lãnh đạo thụ động luôn có xu hướng chỉ gắn bó với một phong cách duy nhất.

Nhà tâm lý học người Anh - Kurt Lewin năm 2000 đã công bố kết quả nghiên cứu về ba phong cách lãnh đạo cốt lõi của thế kỷ XXI và những đặc điểm của chúng. Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng các nhà lãnh đạo sẽ thu được những kết quả khác nhau khi họ áp dụng những phong cách khác nhau. 

1. Lãnh đạo uy quyền: “Tôi muốn bạn phải…”

Đây là phong cách lãnh đạo phổ biến. Người quản lý sau khi ra quyết định mới thông báo tới các thành viên, hay nói cách khác là thành viên không có vai trò trong việc ra quyết định. Có nhiều ý kiến cho rằng phong cách lãnh đạo mệnh lệnh/uy quyền làm hạn chế hiệu quả làm việc và tạo ra bầu không khí căng thẳng cho đội nhóm. Tuy nhiên, phong cách này không đồng nghĩa với việc thường xuyên quát tháo, sai bảo nhân viên và nếu áp dụng đúng trường hợp, phong cách này có thể phát huy hiệu quả của nó.

Phong cách mệnh lệnh có thể áp dụng tốt trong những trường hợp sau:

Giai đoạn đầu thành lập đội nhóm: Ở giai đoạn này, các thành viên trong đội nhóm còn chưa hiểu rõ về nhau, chưa rõ nhiệm vụ và phương hướng nên nhà lãnh đạo cần sử dụng phong cách uy quyền để tạo sự thống nhất về mục tiêu, cách thức làm việc và các quyết định của đội nhóm.

Đối với các nhân viên mới, còn non nớt kinh nghiệm làm việc: Các nhân viên này thường cảm thấy bỡ ngỡ với môi trường làm việc mới, chưa hiểu rõ về cách thức làm việc trong công ty. Do vậy, với tình huống này, nhà quản lý phải đóng vai trò là người giao việc và hướng dẫn cho nhân viên một cách cụ thể, chi tiết, giúp nhân viên hòa nhập tốt hơn với môi trường làm việc và các nhân viên khác.

Những tình huống phải ra quyết định trong thời gian ngắn: Trong những tình huống này, với áp lực phải ra quyết định và thời gian hạn hẹp, phong cách lãnh đạo uy quyền là cần thiết để giải quyết vấn đề. Chẳng hạn như trong một trận đánh, các tướng lĩnh thường phải ra quyết định trong gang tấc về việc tiếp tục tấn công hay rút lui của quân mình.

2. Lãnh đạo dân chủ: “Hãy cùng nhau giải quyết…”

Nhà quản lý theo phong cách dân chủ là biết phân chia quyền lực quản lý của mình, tranh thủ ý kiến cấp dưới và cho phép họ tham gia vào việc thảo luận để đưa ra các quyết định. Tuy nhiên, người quyết định chính vẫn là người lãnh đạo. Phong cách lãnh đạo dân chủ được đánh giá là phong cách mang lại hiệu quả làm việc cao. Tuy nhiên, để áp dụng được phong cách này một cách tốt nhất cần có các điều kiện sau:
- Người quản lý là người đã hiểu rõ vấn đề nhưng cần thêm các ý kiến, thông tin từ cấp dưới để xử lý vấn đề đó.
- Đội nhóm phải tương đối ổn định về nề nếp và nhân sự, các thành viên trong đội nhóm phải là những người đã nắm rõ công việc, nhiệm vụ và cách thức tiến hành công việc.
- Cần có sự quyết đoán khi cảm thấy vấn đề đã đi quá xa và có khả năng cuộc thảo luận trở thành cuộc xung đột.
- Cần giữ được sự công tâm không thiên vị cho bên ý kiến nào, đặt sự hiệu quả, lợi ích tập thể lên hàng đầu chứ không cả nể, ưu ái cho cá nhân nào riêng biệt.

3. Lãnh đạo tự do: “Hãy thay tôi giải quyết vấn đề…”

Nhà quản lý theo phong cách tự do thường chỉ giao nhiệm vụ hoặc vạch ra kế hoạch chung chứ ít tham gia trực tiếp chỉ đạo công việc. Họ giao khoán và cho phép nhân viên được đưa ra các quyết định cũng như chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước cấp trên.

Phong cách lãnh đạo này cho phép nhân viên cấp dưới có quyền tự chủ rất cao để hoàn thành công việc, tạo ra một môi trường làm việc thoải mái để các nhân tài có thể chứng tỏ bản lĩnh, năng lực của mình và nhà quản lý có nhiều thời gian để nâng cao năng suất làm việc của mình. Tuy nhiên, cách quản lý này phải được sử dụng một cách phù hợp, nếu không có thể gây ra sự mất ổn định của đội nhóm. 

Các nhà quản lý có thể áp dụng phương pháp này tốt nhất trong những điều kiện sau: (1) Các nhân viên có năng lực làm việc độc lập và chuyên môn tốt, có thể đảm bảo hiệu quả công việc; (2) Các nhà lãnh đạo có những công cụ tốt để kiểm soát tiến độ công việc của nhân viên; (3) Luôn có phương án dự phòng đề phòng trường hợp người được giao không giải quyết được công việc, hay có sự lộng quyền; (4) Phải đặc biệt quan tâm đến thái độ, biểu hiện của nhân viên vì với phong cách lãnh đạo này người quản lý thường hay bị cho là “bán cái”.

Nên chọn phong cách lãnh đạo nào?

Trong thực tế, mỗi nhà lãnh đạo thường có những cách riêng khi quản lý các nhân viên của mình. Tuy nhiên, mỗi phong cách lãnh đạo nói trên đều có những ưu và nhược điểm, do vậy cần phải biết phối hợp để lãnh đạo hợp lý trong từng giai đoạn, từng trường hợp. Khi lựa chọn phong cách lãnh đạo nào, các nhà quản lý cần cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố cùng một lúc, chẳng hạn như thời gian cho phép, kiểu nhiệm vụ, mức độ áp lực công việc, trình độ nhân viên, mối quan hệ trong đội nhóm, ai là người nắm được thông tin… Những lãnh đạo giỏi là những người phối hợp và sử dụng linh hoạt cả 3 phong cách lãnh đạo nói trên một cách hợp lý trong những trường hợp cụ thể. 


  • 11/11/2019 10:25
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1754