1. Dành thời gian để bình tĩnh lại
Khi phát hiện bị cướp công, bạn có thể ngay lập tức "chỉ thẳng vào mặt" người đồng nghiệp đó hoặc nói lên sự thật ngay ở nơi đông người. Thế nhưng hành động vội vàng này không mang lại lợi ích gì mà còn có thể khiến bạn vô tình trở thành người ganh tị với thành công của người khác. Thêm vào đó, lúc này tâm trí của bạn đang bị xáo trộn và việc đưa ra lập luận sẽ thiếu thuyết phục.
Có thể bạn sẽ nhớ ra rằng đồng nghiệp đã đề cập đến tên của bạn vài lần trong lúc trình bày ý tưởng hoặc nhận ra rằng họ đã kết hợp ý tưởng tuyệt vời của bạn và của chính họ. Do vậy, hãy dành một đến hai ngày để bình tâm lại và suy nghĩ thấu đáo vấn đề. Tuy nhiên, đừng "ngâm" quá lâu và cần đảm bảo rằng sự việc vẫn còn mới trong tâm trí mọi người.
2. Đánh giá mức độ ảnh hưởng
Hầu hết mọi người đều đi ngay đến kết luận: "Họ đang khiến tôi trở nên tệ hơn" hoặc "Họ chỉ quan tâm đến việc làm sao cho bản thân mình trông giỏi hơn mà thôi" khi bị đồng nghiệp tranh công. Tuy nhiên, bạn cần tỉnh táo trong mọi tình huống, biết giữ cái đầu lạnh để tìm sự tối ưu khi giải quyết vấn đề. Việc nên làm lúc này là hãy tự hỏi: Điều này quan trọng đến mức nào? Nó có tác động tiêu cực đến sự nghiệp không?... Tùy vào mức độ mà bạn tìm hướng xử lý sao cho phù hợp.
3. Tìm hiểu lý do
Thay vì đưa ra lời buộc tội, hãy đặt câu hỏi để tìm hiểu lí do một cách khéo léo cũng nhằm cho người đồng nghiệp đó cơ hội tự giác nhận lỗi, chẳng hạn: Bạn có nghĩ mình đã tìm ra tất cả các ý tưởng cho bài thuyết trình không?... Nếu họ vẫn không thừa nhận, bạn có thể bày tỏ thái độ thẳng thắn hơn, chẳng hạn: Tôi thấy một số ý tưởng trong bài thuyết trình những điều tôi đã chia sẻ với bạn. Tại sao bạn lại nhận những ý tưởng đó là của mình?. Điều này thể hiện cho đồng nghiệp biết rằng bạn đã phát hiện ra sự gian dối và cần một lời giải thích thuyết phục.
4. Khắc phục tình hình
Nếu người "cướp công" thừa nhận sai lầm, hãy nói với họ về cách có thể làm mọi thứ trở về đúng vị trí. Họ có thể gửi email cho cả nhóm để cảm ơn bạn vì những đóng góp vào công việc hoặc cả hai cùng nói chuyện với người quản lý. Ngay cả khi họ không hợp tác, bạn vẫn có thể hành động với sự trợ giúp của đồng nghiệp khác - người hiểu rõ công sức đóng góp của bạn vào dự án hay ý tưởng.
Chẳng hạn, trong cuộc họp người này sẽ hỏi bạn và người đồng nghiệp kia: Khi hai người nghĩ về ý tưởng này, bạn đã tiếp cận vấn đề như thế nào? Điều này gợi lên cho người khác suy nghĩ bạn cũng là người có công đóng góp vào dự án hoặc hoặc sáng tạo ra ý tưởng đó.
5. Nói chuyện với cấp trên
Nếu tất cả các gợi ý trên vẫn không mang đến kết quả thì nên có một cuộc nói chuyện, trình bày những khúc mắc với cấp trên. Chia sẻ vấn đề mà bạn đang gặp phải để sếp hiểu rõ và có cách giải quyết thỏa đáng. Tuy nhiên, nên trình bày một cách khéo léo, tránh làm người đi khiếu nại. Mục đích của bạn không phải là nói xấu đồng nghiệp mà là tạo ra môi trường làm việc tốt đẹp. Và đó cũng là mong muốn của bất cứ người quản lý nào.
6. Chủ động phòng tránh
Bị cướp công thường do sự ganh ghét, đố kị và không phục nhau, vậy nên nếu muốn chấm dứt điều này bạn nên tạo mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp. Đừng tỏ vẻ ta đây giỏi giang hay khinh thường người khác. Hãy biết giúp đỡ nếu họ quá tải trong công việc, chia sẻ những kĩ năng cũng như kinh nghiệm mà bạn có, luôn vui vẻ và niềm nở với mọi người. Thậm chí, hãy khen ngợi nhiều hơn vì khi đó họ thấy rằng họ luôn hơn bạn và chẳng ai lại muốn tranh công với người kém cạnh mình cả.