Ngày nay mặc dù xã hội đã có nhiều thay đổi nhưng giao tiếp ứng xử vẫn có tầm quan trọng đặc biệt. Nó tạo nên các mối quan hệ đẹp có văn hóa, có đạo đức trong cộng đồng dân cư, trong tình bạn, trong tình yêu, trong gia đình, trong nhà trường, trong kinh doanh, đàm phán - thương lượng, khi có những bất đồng có thể dẫn đến xung đột.
Giao tiếp ứng xử có văn hoá, có đạo đức là cơ sở để có những mối quan hệ thân thiện trong cộng đồng, quan hệ tình nghĩa trong gia đình, quan hệ hợp tác trong kinh doanh là cơ sở để tạo ra môi trường xã hội có lọi cho sức khoẻ của con người. Trong cuộc sống hàng ngày, người Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề giao tiếp. Người Việt Nam do thiên về tình hơn về lý nên khi giao tiếp con người luôn đề cao vai trò của việc sử dụng ngôn ngữ để đảm bảo cho sự đoàn kết nhất trí, cho cuộc sống vui vẻ hài hoà. Vì vậy ca dao Việt Nam có câu:
“Lời nói chăng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’’
Người Việt Nam luôn nhắc nhở nhau khi giao tiếp, nói năng phải cân nhắc lựa chọn, tránh kiểu hành xử khiếm nhã làm mất lòng người khác. Ông cha ta luôn dạy con cháu: “Ăn phải nhai, nói phải nghĩ”.
Hơn nữa người Việt luôn coi trọng nghĩa tình, những lúc khó khăn, có công có việc người ta đến với nhau vì tình chứ không phải vì vật chất, nên trong văn hoá ứng xử, người Việt rất coi trọng tinh thần, đặt tinh thần lên hàng đầu.
Cái đẹp trong văn hoá ứng xử của con người Việt Nam là cái đẹp mang tính nhân dân, nó phục vụ đại đa số nhân dân. Cái đẹp mang tính dân tộc, nó phản ánh cái đẹp riêng của con người Việt Nam. Cái đẹp đó còn mang tính nhân loại vì nó là tia sáng mà tất cả mọi người trên hành tinh này muốn hướng tới. Cái đẹp đó đậm đà bản sắc dân tộc, bởi bản sắc đó là cái lõi, cái hồn đất, hồn nước, tinh hoa của dân tộc.
Trong những đặc tính mang đậm nhất sắc thái truyền thống của ứng xử xã hội thì thế ứng xử là nét hoa tinh tế nhất trong các nét đặc sắc. Đặc biệt nét văn hóa này được biểu hiện rất rõ, được cô đọng và đúc kết trong hai loại hình nổi bật của văn hoá dân gian Việt Nam đó là ca dao và tục ngữ.
Thế ứng xử trước hết là sự thể hiện triết lý sống của một cộng đồng người và đã mặc nhiên trở thành một quan niệm sống, quan niệm lý giải cuộc sống và mặc nhiên cũng trở thành lối sống, nếp sống, lối hành động của cả một cộng đồng người.
Văn hoá ứng xử cũng như cách ứng xử có văn hoá được hình thành từ rất sớm và ngày càng phong phú. Nó bao gồm hàng loạt hệ thống: Ứng xử trong gia đình, trong họ mạc làng xã, giữa các dòng họ, giữa các thành viên trong cộng đồng, giữa tình yêu đôi lứa …
Đạo lý của nhân dân ta trong giao tiếp ứng xử là:
- Quan hệ trên dưới tôn kính.
- Quan hệ cha con chí hiếu.
- Quan hệ vợ chồng ân tình.
- Quan hệ anh em thuận hoà.
- Quan hệ bạn bè tình nghĩa.