Mâu thuẫn với đồng nghiệp có thể làm bạn khó chịu, và nếu bạn không biết cách giải quyết mâu thuẫn, kết quả sẽ là những bất đồng gay gắt và ảnh hưởng đến công việc của cả hai bên. Tin tốt là bạn vẫn có thể tránh những cuộc đấu đá không cần thiết, chuyển từ tình huống tiêu cực sang tích cực và đem lại kết quả tốt đẹp cho cả hai bên, chỉ cần bạn chịu khó thực hiện những hướng dẫn sau.
Tuyệt đối không nói xấu đồng nghiệp
Nguyên tắc đầu tiên trong việc giải quyết mâu thuẫn với đồng nghiệp là không nên nói xấu họ. Bạn không nên đem những lời nhận xét cay độc để kể cho một đồng nghiệp khác trong công ty. Bạn không thể biết sau này người ấy có đi kể cho người khác hay không. Tệ hơn nữa, nếu những tiếng xấu ấy đến tai “chính chủ” thì hậu quả mối quan hệ giữa bạn và người ấy sẽ không thể nào hàn gắn được.
Ngoài ra, việc đi nói xấu đồng nghiệp chỉ khiến người khác đánh giá xấu bạn và không ai muốn tiếp xúc với người khi có bất đồng gì lại đi “kể xấu” nhau như vậy.
Tránh tiếp xúc với đồng nghiệp
Nếu 2 bạn có những bất đồng quá lớn, không thể giải quyết được thì nên tránh đi. Có câu “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, nên nếu tránh được thì bạn cứ tránh đi. Đừng tham gia vào những dự án, những công việc có mặt người kia.
Đây không phải là cách chia bè kết phái trong công ty mà chỉ là bạn không hợp khi làm việc với anh/cô ấy nên tránh tiếp xúc sẽ là giải pháp an toàn dành cho bạn để không lặp lại những mâu thuẫn cũ.
Luôn giữ sự bình tĩnh
Không nên giải quyết mâu thuẫn với đồng nghiệp ở nơi công cộng, đông người. Chính sách ngoại giao giúp bạn thành công ở công sở yêu cầu bạn phải có đầu óc sáng suốt và vẻ mặt điềm tĩnh. Ngoài ra, sự tính toán logic và chính xác là “vũ khí” tối ưu của bạn. Nếu bạn muốn nắm thế chủ động trong các cuộc mâu thuẫn, cãi vã, hãy luôn bình tĩnh, không nóng nảy. Như vậy, bạn cũng sẽ giảm đi được sự căng thẳng giữa bạn và đồng nghiệp đó.
Trò chuyện
Bạn cũng nên trò chuyện với người ấy để có thể hiểu về nhau hơn. Chọn thời gian thoải mái để có một cuộc nói chuyện sẽ là điều tuyệt vời để giải quyết mâu thuẫn. Trong lúc nóng giận ai cũng “gân cổ” bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng, nếu suy xét lại thì có thể bạn sai. Nếu anh/cô ấy có những câu hỏi thẳng thắn, hãy để cho anh/cô ấy có cơ hội để nói hết hiểu nhầm.
Nói chuyện một cách thẳng thắn sẽ giúp giải quyết mâu thuẫn, khúc mắc một cách nhanh nhất. Không ai muốn sống trong tình trạng đối đầu nơi công sở nên nếu bạn đã chủ động, họ cũng sẽ cảm thấy mọi chuyện không đáng.
Lắng nghe
Hãy mở lòng chia sẻ với đồng nghiệp, đồng thời cũng phải lắng nghe điều mà họ nói. Việc lắng nghe sẽ giúp bạn hiểu đồng nghiệp mình hơn. Có thể, bạn và họ trái quan điểm, không cùng cách làm việc… dẫn đến 2 người không hiểu nhau và xảy ra mâu thuẫn. Lắng nghe một cách chủ động và cởi mở khi đồng nghiệp của bạn giải thích có thể giúp bạn hiểu thêm về những thông tin quan trọng đem lại giải pháp cho bất đồng bạn đang gặp phải. Hoặc bạn có thể giúp anh ấy một vài lời khuyên mà anh ấy đang cần. Một không khí cởi mở, thân thiện sẽ giải quyết vấn đề tích cực hơn.
Chuyện gì cũng có thể giải quyết. Cho nên, hãy lắng nghe một cách chú tâm để bạn và đồng nghiệp có thể gỡ bỏ những hiểu lầm, mâu thuẫn không đáng có.