Cha tôi là thợ điện

Kính tặng cha! “Cái nghiệp nhà đèn vất vả và cam go lắm con à! Khó khăn, vất vả, nguy hiểm rình rập. Nghề làm dâu trăm họ dễ bị "điều tiếng". Nhưng nghề này giúp người làm nghề hoàn thiện mình hơn”. Câu nói của cha tôi với hơn ba mươi năm gắn bó với nghề cùng sự hy sinh, cống hiến đã thôi thúc tôi viết về cha - một người thợ điện bình thường nhưng luôn nỗ lực phấn đấu vì dòng điện sáng.

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, cha tôi phải bươn trải từ nhỏ nên luôn quý trọng giá trị sức lao động. Được vinh dự làm việc trong ngành Điện, ông luôn nỗ lực hết mình. Ngoài giờ làm, để đảm bảo cho cuộc sống gia đình, ông làm đủ nghề: Sửa xe, sửa đồ điện, phụ nề … Đồng nghiệp khi đó gọi ông là “người thợ điện đa tài”.

Khi mẹ theo phân công của tổ chức, phải lên miền núi dạy học. Ba đứa con nhỏ do mình cha chăm sóc. Người ta thường bảo “Muốn giàu thì lấy thợ điện, muốn ăn diện thì lấy thợ may”, nhưng tôi thấy không đúng, bởi nhà tôi cũng chẳng khấm khá hơn nhà hàng xóm. Lúc còn nhỏ, điều tôi thích nhất là sau khi đi làm ca đêm về, cha mua cho chị em tôi những chiếc bánh mì nóng hổi chỉ ở thị trấn mới có. Tôi ăn ngon lành mà không để ý đến đôi mắt thâm đen, đầy mệt mỏi của cha. Đôi khi tỉnh giấc giữa đêm khuya, tôi vẫn thấy cha cặm cụi bên chiếc động cơ với những dây quấn li ti. Tôi càng thấu hiểu hơn những cơn đau khi trái gió trở trời, mái tóc bạc sớm của cha, tất cả đều vì những đứa con. Trong những cuộc nhậu vui, mấy chú cùng cơ quan bảo: "Bác uống rượu được mà cứ giả vờ say", mà đâu biết mục đích của cha là để về nhà sớm với anh em tôi, cố gắng tỉnh táo để làm thêm kiếm tiền nuôi con.

Đồng nghiệp quý cha tôi không chỉ bởi sự tận tâm với nghề mà còn ở sự chân chất, thật thà của một người nông dân làm “sếp” trưởng.

Đến nay, tôi vẫn chưa lý giải được tại sao tôi theo ngành Điện. Có lẽ do mỗi lần xách đồ nghề giúp cha đi sửa điện cho hàng xóm và nhận được lời cảm ơn từ họ. Nụ cười thân thiện và lời cảm ơn chân thành của những người xung quanh giúp tôi hiểu nghề điện thật cao quý. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa khi nào cha nhận tiền sửa điện mỗi khi hàng xóm nhờ. Bất kể thời gian bận rộn, cha vẫn giúp tận tình từ sửa cái quạt cóc đến cái máy bơm, nồi cơm điện. Nhiều khi thấy họ dúi tiền vào túi mà cha từ chối làm tôi thắc mắc. Nhưng cha bảo: “Mình giúp được gì thì nên giúp. Đó là tình cảm láng giềng. Có nghề trong tay, mình không giúp thì họ biết nhờ ai?".

Ở xóm trên, mạng lưới hạ áp cột liêu xiêu, dây điện loằng ngoằng nhưng trẻ con vẫn tụ tập chơi đùa vô tư dưới đoạn đường điện đó. Người dân ít có sự hiểu biết về điện, mặt khác bận việc nhà nông nên lơ là cho con tự chơi. Thấy vậy, cha đã đi tuyên truyền, giải thích cho người lớn biết sự nguy hiểm khi cho các cháu nô đùa dưới đường dây điện mất an toàn. Đồng thời, ông báo ngay cho người quản lý, vận động các gia đình xung quanh đóng góp tiền bạc, công sức để nhanh chóng khắc phục, tránh tai nạn điện đáng tiếc có thể xảy ra. Cha luôn vậy, xem việc thiên hạ như việc nhà mình, chân chất như chính con người ông. Có lẽ vì thế mà làng xóm luôn dành cho ông tình cảm yêu mến và quý trọng. Đó cũng là niềm tự hào của tôi khi có cha làm thợ điện.

Cha được phân công làm trạm trưởng trạm 110 kV Kỳ Anh - Chi nhánh Lưới điện cao thế Hà Tĩnh năm 2004. 10 năm đảm nhiệm công việc đó, ông luôn gắn bó coi trạm như nhà mình. Công việc của một trạm trưởng không hề đơn giản, trăm thứ phải lo.

Đồng nghiệp quý ông không chỉ bởi sự tận tâm với nghề mà còn ở sự chân chất, thật thà của một người nông dân làm “sếp” trưởng. Ông luôn khuyến khích mọi người học tập. Ông chỉ bảo cho mọi người tận tình, giải thích cụ thể, dễ hiểu, đồng thời luôn nhắc nhở “Thiết bị của mình do mình quản lý. Trăm hay không bằng tay quen. Phải hiểu những nguyên nhân và biểu hiện dẫn đến sự cố để có biện pháp xử lý kịp thời, vận hành an toàn”. Ấy vậy mà người trạm trưởng ấy vẫn chưa học đến đại học. Ông là người duy nhất trong chi nhánh với tấm bằng trung cấp. Tôi biết khi mọi người cố gắng học lên, cha lại trì hoãn vì mưu sinh, vì lo cho các con học hành đến nơi, đến chốn. Kiến thức của ông có được đều do tự học. Một sự hy sinh thầm lặng! Nhớ hôm giám đốc yêu cầu các trạm trưởng viết báo cáo thành tích cuối năm. Nhiều người kê một bản thành tích dài, cha khoát tay từ chối “Thôi bác không có gì để viết cả, công việc phải làm mà!”. 

Mới đây, cha được nhận bằng khen của Công ty và UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng vì “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Chiếc bằng khen nằm lọt thỏm giữa dãy bằng khen của ba đứa con. Mẹ cười “Cha mày cống hiến bao nhiêu năm giờ mới được tặng bằng khen”. Còn tôi biết, chính cha là người đã làm nên hàng chục bằng khen của chúng tôi.

Tôi muốn viết lên dòng cảm xúc của mình về cha, cũng là người đồng nghiệp lớn tuổi. Đây là một bí mật tôi dành cho cha, bởi tôi biết chắc chắn cha sẽ khoát tay từ chối cũng như khi phải báo cáo thành tích cuối năm. Vậy đó, vẻ đẹp của người thợ điện đôi khi toát lên từ những điều bình dị, không phải toả sáng từ ánh hào quang của những danh hiệu mà từ cảm nhận, sự yêu mến, quý trọng của những người xung quanh và sự khâm phục của đồng nghiệp. Cha cũng như bao người công nhân ngành Điện khác đã vẽ nên những nét hoàn chỉnh cho bức tranh người thợ điện Việt Nam. 


  • 06/01/2015 10:41
  • Bài và ảnh: Hồng Nhung
  • 3753


Gửi nhận xét