Ảnh minh họa.
|
Giá trị cộng đồng
Những người giàu nhất thế giới, từ rất sớm, bằng bản năng đã "ngộ" được điều này nhờ sự trong sáng và nhiệt huyết tuổi trẻ. Như Steve Jobs, ở tuổi 19 mặc dù không có một chút kiến thức gì về IT công nghệ thông tin, không một đồng vốn mà đã dám mơ làm sao để "mỗi nhà sẽ có được một computer trong bếp". Bill Gates đang học năm đầu ở Đại học Harvard, bỏ học để đi viết phần mềm IT với ước mơ ấp ủ làm sao để "ai cũng có thể sử dụng được những tiện ích này". Và Mark Zuckerberg trước đây cũng bỏ học ở Harvard như Bill Gates để theo đuổi mục tiêu làm sao "kết nối thế giới lại với nhau". Tất cả đều tập trung vào một việc và chỉ duy nhất một việc đó là đem lại lợi ích lớn nhất cho con người qua phương tiện phục vụ của họ. Họ đã thành công vượt tầm nhờ sống quên mình, dám ước mơ cống hiến cho xã hội.
Nếu biết đặt trọng tâm kinh doanh vào mục tiêu phục vụ con người, tất sẽ được xã hội công nhận. Đó chính là chính nghĩa trong kinh doanh. Chính nghĩa ở đây mang ý nghĩa hiệu quả của việc mình làm có được sự chấp nhận của mọi người hay không? Sự đồng thuận càng cao, chính nghĩa càng lớn, càng dễ thành công.
Chữ “nhân” đi đầu
Để thực hiện được lý tưởng chính nghĩa này, chữ "nhân" đi đầu. Trong kinh doanh, đối tượng phục vụ của doanh nhân không chỉ là khách hàng, mà còn là tổ chức, cán bộ nhân viên trong công ty và gia đình của họ, các đối tác làm ăn, nhà đầu tư, hàng xóm láng giềng... Tất cả các đối tượng này là nước, và doanh nghiệp chính là thuyền. Nước cao thì đưa thuyền ra khơi tung lưới, nước cạn thì thuyền mắc cạn, khỏi cần bàn chiến lược kinh doanh, đánh bắt xa bờ. Càng có nhiều người được hưởng lợi từ ta thì ta mới nhận được một phần giá trị thặng dư từ người.
“Tu thân”
Với doanh nhân, bí quyết lãnh đạo, quản trị không khác so với lãnh đạo, quản trị trong một gia đình hay cũng có thể lãnh đạo cả một quốc gia. Doanh nghiệp là một gia đình lớn, nhưng cũng là một “quốc gia” nhỏ. Một người lãnh đạo trước khi muốn lãnh đạo tốt doanh nghiệp, muốn được xem là hình mẫu lý tưởng của người lãnh đạo, thì phải có khả năng lãnh đạo chính mình trước. Đó chính là “tu thân” - biết đặt chữ "nhân" làm đầu. Mở rộng ra ngoài bản thân, trong một gia đình, người chủ gia đình có cho được cái "ân", và đặt quyền lợi hạnh phúc của người thân chung quanh mình lên trên hết, thì mới có được cái "uy" và cái “trung” để lãnh đạo chèo lái gia đình.
Kinh doanh cũng như những công việc khác, đều đi theo quy luật "Làm gì thì làm cũng phải được việc mới tồn tại". Mà muốn được việc thì phải được lòng người, có được sự đồng thuận của mọi người chung quanh.