Có gió mát và cả gió độc

Tôi nghĩ rằng vấn đề văn hoá doanh nghiệp phải thể hiện nhiều yếu tố, nhưng quan trọng hơn hết là những quy định nhất quán khi vào công sở làm việc.

Môi trường văn hoá công sở được các nhà khoa học môi trường cũng như các nhà văn hóa rất quan tâm. Đặc biệt là trong thời kỳ mở cửa, cùng với hội nhập và phát triển kinh tế, các luồng văn hoá cũng có cơ hội thâm nhập. Có nhiều luồng gió mát trong lành nhưng cũng không ít luồng gió độc. Làm sao điều chỉnh những hành vi ứng xử để bảo tồn văn hóa mà vẫn du nhập được văn minh, tiến bộ nhân loại? Điều này đòi hỏi mọi thành viên trong xã hội phải biết tự mình điều chỉnh quan điểm hành vi ứng xử sao cho phù hợp.

Về vấn đề ăn mặc và đồng phục, có nhiều doanh nghiệp không có quy định chung. Vì vậy, có thể có rất nhiều kiểu ăn diện kỳ quái. Có người để hở ra một mảnh lưng rộng quá cỡ, xẻ quần, xẻ váy lên tận thắt lưng, trên vai trần vẽ, xăm trông thật khó coi trong môi trường đáng lý ra phải rất nghiêm túc. Hay như có cô nhân viên xinh đẹp, ăn mặc rất mô-đen nhưng lại thường dùng điện thoại cơ quan nói chuyện riêng cả nửa giờ, còn mấy bà, mấy cô hễ hơi rỗi là kẻ đan len, người soi gương, tỉa lông mày...

Từ những dẫn chứng nêu trên, tôi nghĩ rằng vấn đề văn hoá doanh nghiệp phải thể hiện nhiều yếu tố, nhưng quan trọng hơn hết là những quy định nhất quán khi vào công sở làm việc. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng đối với CBCNV trong ngành Điện hiện nay bắt buộc phải có quy định ăn mặc đồng phục, đeo huy hiệu, thẻ nhân viên nhưng tuỳ theo vùng miền khác nhau mà có quy định khác nhau như: Áo dài dân tộc, veston, sơ mi… Khi khách hàng đến cơ quan giao dịch sẽ có cảm giác thoải mái, trân trọng cộng với phong cách làm việc chuyên nghiệp và thái độ tiếp khách hàng khoa học của nhân viên sẽ làm cho kết quả công việc được trôi chảy, làm cho năng suất lao động được tăng lên.


  • 22/08/2011 01:24
  • Nguyễn Thanh Dân (Công ty điện lực Đồng Tháp)
  • 3879


Gửi nhận xét