Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng: Xây dựng VHND để phát triển ổn định và bền vững

Đối với Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp (VHDN) là hành trình đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi cá nhân để làm nên giá trị nội tại, sức mạnh tập thể trong doanh nghiệp…

Sức mạnh tập thể là đích đến trong xây dựng và thực thi VHDN - Ảnh có tính chất minh họa

Một số tài liệu hướng dẫn xây dựng và thực thi VHDN của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng

- Tháng 6/2006: Đảng ủy Công ty đề ra Nghị quyết về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hướng đến xây dựng hình ảnh người thợ điện “Trách nhiệm – Sáng tạo – Lịch sự - Nghĩa tình”.

- Trong 3 năm tiếp theo, ban hành khoảng 40 quy chế, quy định về cơ chế quản lý, điều hành; về quyền và nghĩa vụ của CNVC - LĐ.

- Tháng 10/2011: Đẩy mạnh phổ biến tài liệu Văn hóa doanh nghiệp của EVN CPC tại các điện lực.

- Tháng 3/2012: Ban hành Quy chế thi đua nâng cao chất lượng công tác dịch vụ khách hàng.

- Tháng 8/2012: Ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức người thợ điện và Bộ quy tắc ứng xử áp dụng tại đơn vị.

Xây dựng VHDN là bài toán khó không chỉ đối với riêng một doanh nghiệp nào. Yếu tố văn hóa tồn tại hữu hình và vô hình, nhiều khi không nhìn thấy được mà chỉ có thể nghe, hiểu và cảm nhận. Và những giá trị vô hình ấy chỉ được định hình qua những khuôn khổ, hệ thống những chuẩn mực, giá trị do chính mỗi doanh nghiệp xây dựng và đưa vào thực thi trong suốt quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh của mình.

Đối với Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, tự bao giờ, như là “chất keo”, VHDN đã lan tỏa kết nối người lao động toàn Công ty không ngừng đoàn kết, tích cực lao động, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ sự gắn kết giữa riêng và chung, giữa cá nhân và tập thể ấy, ý thức chấp hành nội quy, tác phong làm việc, quan hệ ứng xử, giao tiếp được nâng cao, hiện tượng thiếu tinh thần trách nhiệm, đi trễ về sớm, làm việc riêng trong giờ hành chính, hội họp, vi phạm quy trình giao tiếp khách hàng,… đã giảm thiểu và từng bước cải thiện rõ rệt.

Không dừng lại ở đó, "giá trị nội tại" và "tài sản vô hình" của doanh nghiệp còn được Công ty quyết liệt thực hiện trong khâu đẩy mạnh công tác dịch vụ khách hàng, đưa ra những tiêu chí cụ thể về trình tự, thủ tục cấp điện, phát triển khách hàng; thực hiện cấp điện và ngừng cung cấp điện; cải tiến thủ tục hành chính trong giải quyết nhu cầu khách hàng; giao tiếp, ứng xử với khách hàng; giải quyết đơn thư, khiếu nại...

Đây cũng là cơ sở để Công ty phát hiện, khắc phục kịp thời những bất cập, tạo sự chuyển biến tích cực trong tất cả các bộ phận cấp điện mới, lắp đặt công tơ, ký kết hợp đồng, ghi chữ, thu ngân, sửa chữa điện, kiểm tra sử dụng điện,... nâng cao hiệu quả chất lượng dịch vụ, không ngừng thỏa mãn nhu cầu khách hàng sử dụng điện. Đến thời điểm hiện tại, toàn Công ty đã hoàn tất việc nâng cấp, hoàn thiện phòng giao dịch khách hàng thoáng mát, khang trang, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu người dân mỗi khi đến giao dịch.

VHDN không chỉ thể hiện qua những băng rôn, khẩu hiệu treo trước cổng, trên hành lang hay phòng họp, mà còn được hiện thực hóa qua trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng. Bên cạnh việc quan tâm xây dựng môi trường sinh hoạt, vui chơi, học tập lành mạnh cho người lao động, Công ty đẩy mạnh các hoạt động xã hội như phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ xây nhà bán trú dân nuôi tỉnh Lai Châu, hỗ trợ các hộ nghèo, hiến máu nhân đạo, giúp đỡ đồng bào các tỉnh những khi thiên tai, bão lũ,...

Xây dựng VHDN là hành trình dài mà trên con đường ấy Công ty sẽ không tránh khỏi những chướng ngại cần khắc phục để vượt qua. Với những nỗ lực của mọi thành viên trong đơn vị, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng sẽ gặt hái được những “trái ngọt” trong công tác sản xuất – kinh doanh và giữ được niềm tin yêu của khách hàng. Đây cũng là nền tảng cơ sở để Công ty phát triển ổn định và bền vững.

Một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp từ nay đến 2013

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao chất lượng bản tin nội bộ, trang web công ty, đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao thúc đẩy phong trào phát triển đồng thời động viên CNVC - LĐ tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng gia đình văn hoá tại địa phương và các chương trình thi đua của thành phố...

- Thi đua “3 không, 3 có”, gồm: Không vi phạm nội quy lao động, các quy trình kỹ thuật an toàn, quy trình giao tiếp với khách hàng sử dụng điện, các quy định về nếp sống văn hoá; Có tinh thần trách nhiệm cao, làm việc có năng suất - chất lượng - hiệu quả, có ý thức giữ gìn uy tín, thương hiệu của tập đoàn, tổng công ty, công ty, nâng cao cơ sở vật chất và các hoạt động văn hoá, triệt để thực hành tiết kiệm,…gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

 


  • 22/09/2012 04:04
  • Bài và ảnh: Thục Uyên
  • 4034


Gửi nhận xét