Phân biệt triết lý đạo đức và triết lý kinh doanh

Thuật ngữ "Triết lý kinh doanh" được đề cập nhiều nhưng ít người biết rằng, triết lý kinh doanh và triết lý đạo đức có mối liên hệ hữu cơ mật thiết, trong đó, triết lý kinh doanh hàm chứa triết lý đạo đức, triết lý đạo đức chi phối triết lý và hành vi kinh doanh.

Đối với các đơn vị đang triển khai văn hoá doanh nghiệp, triết lý đạo đức là một nội dung cực kỳ quan trọng để định hướng quản lý và điều hành nguồn nhân lực trong việc thực hiện chiến lược kinh doanh đã định.

Bài viết dưới đây không đề cập đến triết lý kinh doanh, mà giới thiệu nội dung còn ít được nhắc đến trong các tài liệu quản lý và chiến lược, đó là triết lý đạo đức, với mục đích nhằm giúp cho các nhà quản lý ở các đơn vị triển khai văn hoá doanh nghiệp hiểu được bản chất, nội dung, tầm quan trọng của việc xác định triết lý đạo đức phù hợp.

Hoạt động trong nền kinh tế thị trường, chiến lược kinh doanh, chiến lược phát triển luôn được các tổ chức, doanh nghiệp coi trọng như "bản lộ trình để tiến tới thành công". Để triển khai chiến lược, đầu tiên cần phải xác định hai nội dung lớn: Định hướng kinh doanh (thị trường nào, nhu cầu gì, sản phẩm/dịch vụ sẽ cung ứng, lợi thế cạnh tranh), và định hướng quản lý (tạo động lực, kiểm soát, đánh giá, thực thi, điều hành và quản lý con người). Nội dung thứ nhất gắn với mong muốn, mục tiêu (liên quan nhiều hơn đến triết lý kinh doanh); nội dung thứ hai gắn với việc thực hiện, kết quả (liên quan nhiều hơn đến triết lý đạo đức).

(ảnh minh họa)

Triết lý đạo đức là gì?

Triết lý đạo đức (ethics – moral philosophy) là một phạm trù triết học nghiên cứu về cái đúng – cái sai, cái tốt – cái xấu, về những giá trị chi phối hành vi con người và những hệ quả của việc vận dụng trong thực tiễn. Triết lý đạo đức gồm những giá trị, quy tắc, nguyên tắc cơ bản và hệ thống, có ảnh hưởng chi phối hành vi con người và được con người sử dụng để xác định đúng – sai, tốt – xấu và để lựa chọn, phán xét, ra quyết định và hành động khi đối đầu với những vấn đề trong thực tế.

Triết lý đạo đức được xác định bởi hai yếu tố: Giá trị và nguyên tắc. Trong đó, giá trị là "thước đo chuẩn" để xác định đúng – sai, tốt – xấu; và nguyên tắc là cách thức vận dụng thước đo giá trị để đánh giá một sự việc, hành động/hành vi, hệ quả hay con người. Con người thường phải dựa vào các giá trị xác định, điều cần phấn đấu để đạt tới và dựa vào những nguyên tắc hành động để lựa chọn cách thực hiện. Con người dựa vào triết lý đạo đức để hành động, phán xét, đánh giá hành động, sự vật, để tạo nên ý nghĩa cho hành động, cho cuộc sống và giá trị cho bản thân mình. Bởi cuộc sống luôn đỏi hỏi con người tự vận động để có thể tồn tại. Thiếu giá trị định hướng, con người không biết sẽ phải làm gì và điều đó đồng nghĩa với cái chết.


  • 25/04/2012 09:23
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề QL&HN
  • 15906


Gửi nhận xét