Ảnh minh họa
|
Thói xu nịnh
Thực tế bạn đừng nghĩ ông sếp nào cũng yêu quý những kẻ xu nịnh. Có thể một vài lần tiếp xúc đầu tiên họ sẽ rất vui nghe những lời đó. Nhưng nếu thường xuyên, liên tục, kiểu gì chiêu bài của bạn cũng bị sếp hoặc đồng nghiệp phát hiện, lật tẩy.
Thường xuyên nhờ vả
Nhờ vả đồng nghiệp không có gì sai, nhưng nếu nhờ vả tới mức làm phiền, bạn sẽ khiến cho người khác khó chịu, thậm chí là bực tức. Nhiều người sẽ cho rằng bạn đang lợi dụng lòng tốt của họ quá mức.
Hay kêu ca phàn nàn
Nhiều kẻ luôn giả nghèo giả khổ, gặp ai cũng kể lể khó khăn trong cuộc sống của mình. Họ không ngớt lời kêu la lương thấp, không đủ ăn, vất vả và áp lực,... Họ cứ nghĩ rằng, điều đó sẽ làm cấp trên tạo điều kiện, hay đồng nghiệp cảm thông san sẻ bớt công việc. Nhưng thực tế, điều này sẽ làm cho họ ngày càng "nhỏ bé" trong mắt đồng nghiệp.
Lúc nào cũng lên mặt, chỉ trích đồng nghiệp
Ai cũng có những điểm mạnh, điểm yếu. Trong công việc điều đó càng thể hiện rõ hơn, có thể bạn giỏi đồ họa, nhưng anh bạn đồng nghiệp lại giỏi nội dung. Bạn đừng vội lên mặt cho rằng anh ta kém cỏi. Cũng đừng vội chỉ trích nếu anh ta viết chưa tốt. Nếu nhìn thấy những khuyết điểm của người khác, bạn hãy nhẹ nhàng và khéo léo góp ý với riêng họ trước khi đưa vấn đề ra cuộc họp toàn cơ quan.
Không chịu nhận lỗi
Nếu chẳng may bạn làm sai điều gì đó, ảnh hưởng tới những đồng nghiệp xung quanh, hãy thẳng thắn nhận lỗi. Đừng trốn tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho người khác, bởi điều đó chỉ khiến cho người ta không thích bạn mà thôi.
Quá đề cao chủ nghĩa cá nhân
Nếu bạn may mắn được sếp khen vì có nhiều ý tưởng hay, táo bạo, bạn đừng vội mỉm cười cho rằng mình giỏi hơn người khác. Bạn nên nhớ, ngủ quên trong chiến thắng cũng có nghĩa khiến mình trở nên tụt hậu. Bạn luôn tự đề cao mình, nhưng bạn đâu biết có thể những người bạn chê cười cũng đã và đang nỗ lực hết mình, ngày đêm cố gắng để vượt qua bạn..