Những ứng xử nhà lãnh đạo nên tránh

Sự khác biệt giữa một môi trường làm việc hạnh phúc và khắc nghiệt nằm ở cách ứng xử của người quản lý.

Ảnh minh họa.

Chỉ hứa suông

Những người sếp yếu kém luôn sử dụng chiêu thức hứa hẹn đủ kiểu với nhân viên, từ việc thăng chức, thành công và tương lai tươi sáng, nhưng rất ít khi thực hiện cam kết của mình. Họ còn thường xuyên sử dụng các chiêu “dỗ ngọt” nhân viên và lấy mục tiêu phấn đấu, hoài bão của nhân viên làm mồi nhử nhân viên tuân theo mình.

Muốn trở thành một người sếp tốt, bạn phải hình dung được những hệ quả mà lời hứa của bạn ảnh hưởng đến cấp dưới như thế nào và cân nhắc kỹ trước khi hứa. Nếu bạn cam kết với các nhân viên điều nào đó nhưng không thực hiện được thì tất nhiên họ sẽ nghĩ không hay về bạn và dù bạn có thúc đẩy họ làm việc nhiệt tình thì cũng chẳng thể đạt đến mục đích quan trọng nhất.

Không quan tâm đến các công việc cụ thể

Những nhà quản trị kém thường không hiểu rằng nhân viên rất cần đến người dẫn dắt họ khi họ phải đối mặt với những vấn đề nan giải, không tự giải quyết được. Nhiều sếp thường “quên” theo dõi tiến độ công việc vì cho rằng điều đó không thật sự quan trọng, vả lại đã có người khác làm thay mình.

Quán xuyến mọi việc diễn ra trong tổ chức là một trách nhiệm quan trọng của nhà quản trị. Các nhà quản trị giỏi đều rất nhạy bén với sự biến đổi của tình thế, với những diễn biến ngầm trong nội bộ doanh nghiệp nhưng họ giữ kín suy nghĩ của mình, khi cần mới chỉ ra khiến cấp dưới phải sững sờ. Do đó, đừng vì những việc quan trọng khác mà bạn tỏ ra chểnh mảng khâu theo dõi tiến trình thực hiện kế hoạch sản xuất hay đề án của doanh nghiệp.

Trốn tránh trách nhiệm

Những người sếp tồi luôn lảng tránh việc đối diện với thực tế, với thử thách, với trách nhiệm ra quyết định vì thiếu kiến thức chuyên môn hoặc ngại va chạm. Họ muốn đẩy trách nhiệm về phía nhân viên, có thành công thì nhận là của mình, còn nếu thất bại thì đổ lỗi cho nhân viên. Điều mà lẽ ra họ phải làm là tập trung vào việc xác định thật chính xác những mục tiêu cụ thể trong từng sự hợp tác, từng giao dịch hay từng phần việc mà họ tham gia.

Bằng cách đó, khi có bất kỳ sai sót nào xảy ra, mọi người đều biết ngay nguyên nhân bắt nguồn từ đâu và ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính. Sợ người khác chê trách, thừa nhận mình kém cỏi hay sai lầm luôn là điều mà các sếp yếu kém luôn tránh xa.

Họ không chịu học tập để nâng cao trình độ, cũng không chịu khó động não để trực tiếp giải quyết những tình huống khó khăn nên đành chọn chiến thuật “dĩ hòa vi quý” để lấy lòng nhân viên. Cung cách lãnh đạo như thế chẳng những khiến họ không tiến bộ, mà doanh nghiệp cũng bị tụt hậu. Tốt nhất là khi đã ngồi ở vị trí lãnh đạo, bạn hãy cảnh giác với năm dấu hiệu đã nêu trong bài viết này và luôn tự hỏi rằng mình có chủ quan với chính bản thân hay không.

Có thể nổi giận bất kỳ lúc nào

Một người sếp không tốt là người lúc nào cũng trong trạng thái tức giận. Các nhân viên không thể tiếp cận với sếp vì bất kỳ lúc nào, họ cũng có thể bị mắng té tát bởi những cơn giận chẳng đâu ra đâu. Và quan trọng hơn là khi bạn luôn giận dữ sẽ không bao giờ bạn nghe được những lời thật lòng từ người giao tiếp với mình. Để tránh bị khiển trách vô cớ, nhân viên của bạn sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng nói những điều mà bạn muốn nghe.

Bên cạnh đó, một ông chủ không cởi mở với nhân viên sẽ có xu hướng mắc sai lầm nhiều hơn. Lý do là vì họ chỉ biết giận dữ và không thừa nhận sai sót của mình hoặc xem xét những đề nghị của người khác.

Chủ nghĩa hoàn hảo

Một sếp theo chủ nghĩa hoàn hảo sẽ hạn chế tất cả sự sáng tạo của nhân viên. Đó là một người kiểm soát mọi hoạt động của nhân viên nhằm bảo đảm mọi thứ luôn tốt đẹp, an toàn. Nhưng rất tiếc, đó lại là một địa ngục bó buộc nhân viên. Trên thực tế, đa số nhân viên sẽ nhanh chóng trở nên nhút nhát, e dè và thiếu tự tin với cách quản lý như vậy.

Do phải liên tục làm đi làm lại cho tới khi nào đạt được mức độ "hoàn hảo" nhất có thể, nhân viên có thể nghĩ: “Mình làm gì cũng không vừa ý sếp”. Hệ quả là nhân viên sẽ liên tục hỏi sếp cách tiến hành công việc, hoặc sẽ tự làm, nhưng kết quả cuối cùng thì sẽ không tốt. Điều này càng làm sếp cảm thấy mình hết sức đúng đắn khi can thiệp vào công việc của nhân viên.

Nếu mất quá nhiều thời gian và công sức quản lý một tập thể toàn những nhân viên “không làm được việc” như thế thì sớm muộn sếp cũng sẽ bị kiệt sức. Làm sao bạn có thể làm tốt những công việc mang tính chiến lược như hoạch định nếu suốt ngày bạn cứ phải lo giải quyết những chuyện vụn vặt ở bộ phận của mình? 


  • 10/07/2014 03:33
  • Tổng hợp theo Doanh nhân Sài Gòn
  • 1351


Gửi nhận xét