Hay phàn nàn về công việc và hứa mà không thực hiện là những lỗi giao tiếp dân công sở nên tránh. Ảnh minh họa.
|
1. Cư xử kiểu “chính trị”
Lối cư xử kiểu “chính trị”, khôn khéo quá mức luôn khiến những người xung quanh có cảm giác bạn giống như một “chính trị gia” hơn là một nhân viên. Trong công việc, mọi người đều tìm kiếm sự minh bạch, cởi mở và chân thực. Nếu bạn sử dụng phong cách chính trị trong các mối quan hệ công sở, đồng nghiệp sẽ cho bạn là người giả tạo hoặc đang cố gắng che đậy điều gì đó.
2. Phàn nàn về công việc
Ở cơ quan hay trên mạng xã hội, bạn đều không nên phàn nàn về công việc. Nếu không thích công việc hay nhà quản lý, bạn không nên để người khác biết, vì mọi chuyện sẽ được kể lại một cách nhanh chóng. Thay vì phàn nàn, hãy vạch ra những khía cạnh công việc mà bạn cảm thấy kém hứng thú và cố gắng cải thiện nó. Ngoài ra, bạn có thể trao đổi với sếp để được phân công những công việc phù hợp hơn.
3. Đưa ra lời hứa nhưng không thực hiện được
Đôi khi, bạn cần phải nói “không” với một số việc vì nếu nhận quá nhiều việc, bạn sẽ không thể hoàn thành hết được. Đừng đưa ra quá nhiều cam kết hay thổi phồng khả năng của bản thân, nếu không, bạn sẽ đánh mất niềm tin của người khác. Nếu bạn không thể thực hiện được một công việc nào đó, hãy lên tiếng sớm nhất có thể.
4. Gõ bàn phím quá nhiều thay vì nói chuyện
Một trong những mặt trái của việc phát triển công nghệ là giao tiếp trực tiếp giữa người với người bị giảm thiểu. Mọi người quen gửi email, chat qua mạng dù ngồi sát cạnh nhau thay vì nói chuyện trực tiếp. Thực tế, đây là một cách giao tiếp không hay Hãy bước ra khỏi chiếc máy tính và có một sự tương tác đích thực, đi bộ một vài mét, nhấc điện thoại lên để nói chuyện sẽ giúp bạn xây dựng tốt hơn các mối quan hệ. Từ đó, bạn sẽ thành công hơn.
5. “Nhầm” mình là cấp trên
Có nhiều nhân viên, nhất là những nhân viên trẻ, có xu hướng hành động như thể họ là nhà quản lý, cho dù mới vào công ty. Bạn cần biết rõ vai trò của mình và không vượt quá giới hạn, vì nếu làm vậy, bạn có thể dễ dàng đánh mất sự ủng hộ của những người xung quanh. Điều bạn cần làm là xây dựng sự tôn trọng của người khác dành cho bạn qua thời gian, và đó là lý do vì sao phải mất nhiều năm để xây dựng một sự nghiệp, thay vì vài ngày hay vài tuần. Có thể đến một ngày nào đó, bạn sẽ là sếp, nhưng hiện tại, hãy tôn trọng vị trí của người khác và biết mình ở đâu.
6. Không tham gia hoạt động xã hội
Rất nhiều người chăm chăm đi làm, sau đó lại chăm chăm về nhà và bỏ qua các hoạt động xã hội. Hãy tham gia một vài hoạt động từ thiện hay hoạt động công ích giúp đỡ cho cộng đồng. Ngoài việc góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn, bạn còn mở rộng được các mối quan hệ và có thêm nhiều kinh nghiệm.
7. Không chú ý xây dựng các mối quan hệ
Dù bạn làm được một việc bạn hài lòng và cho rằng đó là thành công vượt bậc, sẽ chẳng là gì nếu mọi người xung quanh không công nhận, hoặc tệ hơn là chẳng có ai biết về bạn và sản phẩm của bạn để mà công nhận. Có tài năng là điều cần thiết, nhưng mạng lưới các mối quan hệ cũng quan trọng không kém. Những mối quan hệ sẽ giúp bạn vượt qua thử thách và có được thành công một cách dễ dàng hơn.
8. Phủ nhận sai lầm của bản thân
Sai lầm có thể vô cùng có giá trị, nhưng chỉ khi bạn học được từ những sai lầm đó. Nếu bạn phủ nhận sai lầm, bạn có thể sẽ lặp lại sai lầm hết lần này tới lần khác. Bạn càng cải thiện bản thân được bao nhiều bằng cách rút ra kinh nghiệm từ sai lầm, bạn sẽ càng chứng minh được cho cấp trên thấy tiềm năng của bạn.