Chị Nguyễn Thái Thùy Linh - Chuyên viên phòng An toàn, Công ty Điện lực Bạc Liêu
Im lặng là vàng
Thật buồn khi biết có người nói xấu mình. Tuy nhiên, nếu rơi vào hoàn cảnh đó, tôi sẽ giải quyết như sau: Im lặng là vàng. Nhưng trước tiên, tôi tự kiểm điểm lại bản thân, xem mình có xấu thật không, mình có vô tình làm tổn thương người khác hay không, ngẫm lại xem mình ứng xử đã đúng mực chưa? Nếu sai, cần thừa nhận, im lặng tự sửa chữa, mong mọi người hiểu, thông cảm. Còn nếu mình không như vậy, cũng vẫn im lặng và tiếp tục sống như mọi ngày. Đơn giản, vì bạn tốt thì không sợ ai làm xấu mình cả.
Anh Nguyễn Duy Minh Khang - Trực chính Trạm 220 kV Tuy Hòa, Truyền tải điện Phú Yên, Tổng công ty Truyền tải Điện quốc gia
Đối xử thật tốt với người hay nói xấu bạn
Tôi thường mỉm cười và an nhiên khi biết được tin có người nói xấu mình sau lưng, vì xấu hay không xấu chỉ do quan niệm, cách nhìn của mỗi người. Theo nhìn nhận của tôi, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Trước hết, tôi sẽ xác minh xem đồng nghiệp nói có đúng sự thật không? Nguyên nhân của việc anh/cô ấy hay đi nói xấu sau lưng là gì? Vì mình có khiếm khuyết, có điểm chưa đúng hay vì ghen tị, vì bản chất của anh/cô ấy là người “ngồi lê đôi mách”.
Tuy nhiên, dù lý do là gì, điều tốt nhất tôi nghĩ mình nên làm là, hãy cứ đối xử tốt và hòa nhã với người ấy. Hãy nhớ rằng, con người ai cũng có giá trị riêng, quan trọng là bạn có biết nhìn ra giá trị của họ và có biết giúp họ phát huy giá trị ấy hay không mà thôi.
Đừng mất thời gian nghĩ ngợi lung tung bởi đa số các đồng nghiệp khác đều hiểu rõ bạn là người thế nào. Hãy là người rộng lượng chứ không phải là kẻ chấp nhặt.
Chị Vũ Khánh Ngọc, chuyên viên Văn phòng, Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa
Thông qua người thứ ba, nhắc nhở đồng nghiệp có tính nói xấu sau lưng
Trong cuộc sống chúng ta sẽ không tránh khỏi chuyện bị đồng nghiệp nói xấu sau lưng. Tuy nhiên, ông bà ta đã dạy “cây ngay không sợ chết đứng”. Chúng ta phải thật bình tâm và bản lĩnh, giải quyết mọi chuyện một cách ổn thỏa nhất. Đối với tôi, có người nói xấu mình cũng không phải là điều lạ. Bởi con người luôn cần sự ganh đua mới phát triển được, nhưng sự ganh đua đó được thể hiện như thế nào, là sự chịu khó phấn đấu bản thân để tiến lên hay dùng cách nói xấu, bôi nhọ đối phương?
Trong trường hợp bị đồng nghiệp nói xấu, tôi sẽ nhờ người thứ ba nhắc nhở họ. Khi dùng người thứ 3 để nói, tôi cho rằng sẽ không gây cảm giác khó chịu cho người nghe, là cách tế nhị để họ biết mà thay đổi.