Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Ban Tổ chức và Nhân sự, Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1)
Văn hoá doanh nghiệp thúc đẩy môi trường sáng tạo, góp phần hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao
Đối với một ngành nghề có hàm lượng kỹ thuật cao như ngành Điện, việc xây dựng môi trường làm việc sáng tạo sẽ thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tập trung phát huy năng lực sáng tạo của các cá nhân để nhân rộng và thúc đẩy phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo tại đơn vị. Trong tiến trình phát triển của EVNGENCO1, văn hóa doanh nghiệp còn giúp hướng tới việc xây dựng con người toàn diện, có chuyên môn tốt đồng thời có đủ phẩm chất cả về tư tưởng, đạo đức, lối sống lẫn nhân cách, đủ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh việc hướng tới xây dựng hình ảnh người CBCNV ngành Điện: Nhiệt tình - Chu đáo - Thân thiện, chúng tôi đưa vào sử dụng phầm mềm quản lý hiệu quả công việc KPI, sắp xếp nhân lực hợp lý, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo thu nhập cho người lao động... Hi vọng với tất cả những giải pháp trên, năm 2018, EVNGENCO1 sẽ đạt được bước đột phá trong việc thực hiện chủ đề năm của Tập đoàn là "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực".
Ông Âu Công Dũng, Trưởng phòng Tổ chức và Nhân sự, Công ty Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk)
Văn hóa doanh nghiệp – cái gốc để giữ nhân sự và phát triển bền vững
Giữ chân nhân sự nói chung và giữ chân nhân tài nói riêng là công việc hết sức quan trọng và cấp thiết trong cơ chế thị trường hiện nay để ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám”, lãng phí nguồn lực và bất ổn về nhân sự, đặc biệt là đối với lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và có kinh nghiệm.
Tại Công ty Điện lực Đắk Lắk, kết quả của quá trình quản lý nguồn lực, năng suất lao động và chất lượng công việc đều phụ thuộc vào tinh thần hợp tác và chia sẻ; trách nhiệm và sự tận tâm của người lao động; ngoài ra là chế độ đãi ngộ và khả năng sử dụng nhân tài của lãnh đạo đơn vị.
Thực tế cũng cho thấy các đơn vị đang thiếu lao động trẻ, đa số công nhân đã cao tuổi, bậc lương cao song hạn chế khả năng làm những công việc nặng nhọc trên cao; số người trẻ tuổi có sức khỏe ít, lại đảm nhiệm nhiều công việc nặng nhọc, nhưng hệ số lương còn thấp. Việc tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng Quy chế tiền lương vừa đúng với Quy chế chung của Tập đoàn và của Tổng công ty, vừa phù hợp với thực tế của đơn vị để tăng năng suất lao động, giữ chân lao động là việc vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, cũng cần duy trì văn hoá đối thoại giữa đại diện NLĐ và đại diện người sử dụng lao động. Công đoàn các cấp cần tập hợp yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp của NLĐ, tham gia với lãnh đạo đơn vị về các nội dung liên quan đến giải quyết việc làm, điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, đời sống cho NLĐ, xây dựng và thực thi “Văn hóa an toàn lao động” nhằm bảo đảm an toàn cho người và thiết bị...
Ông Nguyễn Mai Long, Giám đốc Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFC)
Cần giữ "phần hồn của doanh nghiệp" trong quá trình phát triển nguồn nhân lực
Có được một đội ngũ nhân sự năng động, tích cực sẽ là nhân tố quyết định cho sự sống còn của doanh nghiệp trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt. Nếu như giá trị sống và sức mạnh nội tâm làm nên phần hồn của mỗi cá nhân, thì "phần hồn doanh nghiệp" là những kết nối đặc biệt trong tâm thức các cá nhân có cùng sứ mệnh, dám dấn thân và chia sẻ chung những đam mê, hoài bão.
Để tôn tạo “phần hồn doanh nghiệp”, tại EVNFC, việc thực thi văn hoá doanh nghiệp luôn được chú trọng thực hiện, nhằm giúp các cá thể tạo nên sự đồng thuận, sự cộng hưởng của những con người thấu hiểu và chia sẻ một mục tiêu, gặp nhau ở những giá trị chung. Việc tạo dựng bầu không khí làm việc tốt trong doanh nghiệp cũng có thể khơi dậy tiềm năng con người để tạo ra sức mạnh mới, và sức mạnh này đảm bảo sự phát triển bền vững của tổ chức.
Bên cạnh đó, nếu như trước kia lương là yếu tố chính thu hút người lao động thì ngày nay nó dần trở thành yếu tố hiển nhiên, vì các doanh nghiệp thường xuyên khảo sát thông tin thị trường để đưa ra những thang bậc lương không quá khác biệt, do đó không còn hiệu quả để thu hút và giữ chân nhân tài bằng yếu tố này. Thay vào đó, chính sách phúc lợi, cơ hội phát triển và thăng tiến, văn hóa doanh nghiệp, huấn luyện và đào tạo... được cân nhắc nhiều hơn.
Vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng trong việc định hướng văn hóa của một doanh nghiệp. Nhưng người "tô vẽ" và định hình nên văn hóa không ai khác chính là tất cả đội ngũ nhân viên. Họ sẽ đặt vào đó tính cách và hành vi để tạo nên bức tranh đa màu mà chúng tôi vẫn gọi là văn hóa đa dạng của EVNFC.