Khắc phục tình trạng nhân viên "bằng mặt mà không bằng lòng"

Tình trạng “khẩu phục nhưng tâm chưa phục” là một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất giữa nhà quản trị doanh nghiệp và các nhân viên của mình. Các nhân viên trước mặt có thể tỏ ra ưng thuận với ý kiến của sếp, nhưng trong lòng lại không muốn tuân theo.

Là nhà quản trị nhân sự, nếu đang rơi vào hoàn cảnh ấy, bạn nên chủ động tìm hiểu nguyên nhân. Nếu bạn đối xử với nhân viên lạnh lùng, chẳng mấy thân thiện thì tất nhiên bạn sẽ không được họ yêu mến, cho dù họ vẫn nhẫn nại làm việc với bạn nhưng sẽ chỉ được một thời gian nhất định. Chỉ có một vài ngoại lệ thuộc về những người lãnh đạo độc tài, nhưng lại sở hữu một tầm nhìn chiến lược xuất chúng mới khiến người khác tuân thủ theo vì quá nể phục hoặc ngưỡng mộ. 

Ảnh minh họa.

Họ không thấy được lợi ích khi cần xả thân vì công việc

Không ai sẵn sàng đi đến những nơi không mang đến cho họ sự thay đổi tích cực. Nếu bạn đưa ra một nhiệm vụ mới với kết quả kinh doanh đầy hứa hẹn nhưng lại không hề mang lại lợi ích thực tế cho cuộc sống của nhân viên thì không một cấp dưới nào muốn tham gia và nỗ lực thực hiện nhiệm vụ đó.

Họ không hiểu vì sao phải làm những gì bạn yêu cầu

Có những nhà quản trị trẻ tài ba, luôn tập trung cao độ vào mục đích làm việc và chu đáo trong từng chi tiết của công việc, nhưng vì cho rằng mọi người cũng hiểu như mình nên khi phân công công việc cho cấp dưới họ không hề đưa ra lời giải thích nào. Khi không hiểu vì sao phải làm công việc nào đó theo lệnh sếp thì nhân viên không chỉ không xác định được thời hạn và chất lượng công việc rõ ràng, mà còn nghi ngờ động cơ của sếp.

Họ cho rằng bạn không thật sự quan tâm đến họ

Là nhà quản trị, có thể nhiều lúc bạn sẵn sàng bỏ thời gian và tiền túi để cống hiến cho doanh nghiệp, nhưng nếu đòi hỏi nhân viên cũng làm như thế mà không có sự bù đắp lại thích đáng cho họ thì sẽ không ai chịu làm cả. Hãy thẳng thắn nói rằng khi hoàn thành công việc, nhân viên sẽ được thanh toán đầy đủ các chi phí và nếu kết quả xuất sắc sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.

Họ không cảm thấy sự hỗ trợ và ghi nhận

Trả lương cho nhân viên là trách nhiệm của bạn, nhưng hỗ trợ họ làm việc tốt hơn và ghi nhận được những tiến bộ của từng nhân viên cũng là việc mà bạn phải làm thường xuyên. Một lời cảm ơn chân thành của bạn sẽ có tác động lớn đến đội ngũ nhân viên, thúc đẩy họ làm việc hết mình vì bạn.

Bất kỳ khi nào cần chọn lựa một cá nhân để làm người chủ lực trong việc thực hiện một dự án mới, bạn hãy hỏi: “Anh (hoặc chị) cần biết thêm điều gì để thực hiện thành công dự án này?”.

Nếu không được trang bị đầy đủ kỹ năng và phương tiện làm việc, khi gặp trở ngại, các nhân viên sẽ chỉ trích, phê phán bạn quan liêu, quy lỗi về phía bạn.

Họ không tôn trọng tư chất của bạn

Nhà quản trị được nhân viên tôn trọng vì có tài năng, khả năng bao quát điều hành công việc và tính tình dễ mến. Một số nhà quản trị luôn đề cao cái tôi của mình và thể hiện rõ trước đội ngũ nhân viên, đã vậy thường hay phê phán quá mức những người mình không thích, bất kể cấp dưới hay cấp trên. Đó là lý do vì sao nhân viên đánh giá không cao về tư chất và những kỹ năng đối nhân xử thế của sếp.


  • 12/12/2013 10:19
  • Tổng hợp theo Doanh nhân Sài Gòn
  • 2587


Gửi nhận xét